📞

Hungary chơi lớn, ký hợp đồng để Nga cung cấp khí đốt 15 năm, Ukraine đòi kiện

Bảo Hà 07:03 | 28/09/2021
Ngày 27/9, Hungary đã ký một thỏa thuận mới cung cấp khí đốt dài hạn với Nga. Thỏa thuận do nhà xuất khẩu khí đốt độc quyền Nga Gazprom và ban điều hành của tập đoàn năng lượng Hungary MVM ký tại Bộ Ngoại giao ở Budapest.
Hungary ký hợp đồng với Nga chấp thuận cho Gazprom cung cấp khí đốt trong vòng 15 năm. (Nguồn: Gazprom)

Theo hợp đồng, Gazprom cung cấp khí đốt tới Hungary trong 15 năm tới. Hiện thông tin chi tiết liên quan đến thỏa thuận chưa được tiết lộ.

Tuy nhiên, theo thông báo hồi cuối tháng 8 của Hungary, nước này chấp thuận mọi điều kiện của Nga để thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 1/10.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, hai bên đã thống nhất mức giá và theo thỏa thuận, mỗi năm Gazprom sẽ chuyển cho Hungary 4,5 tỷ m3 khí đốt tự nhiên thông qua 2 đường dẫn khí đốt là Serbia và Áo.

Phản ứng trước động thái trên, Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố: "Chúng tôi rất ngạc nhiên và thất vọng trước quyết định của Hungary khi (họ) ký hợp đồng dài hạn mới về cung cấp khí đốt với tập đoàn Gazprom tại Budapest vào ngày 27/9, mà bỏ qua Ukraine".

Ukraine, quốc gia chịu thiệt hại hàng triệu USD trong các khoản thanh toán quá cảnh, cho rằng, thỏa thuận này là một "quyết định hoàn toàn phi lý về chính trị, kinh tế" cũng như gây tổn hại cho quan hệ Ukraine-Hungary.

Theo bộ trên, Ukraine sẽ nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban châu Âu (EC) "liên quan việc đánh giá sự phù hợp của thỏa thuận khí đốt mới giữa Hungary-Nga theo luật pháp châu Âu trong lĩnh vực năng lượng".

Đáp lại, Ngoại trưởng Szijjarto cáo buộc Ukraine đang can thiệp vào công việc nội bộ của Hungary.

Phát biểu tại họp báo, ông Szijjarto nói: "Hoạt động tiêu thụ khí đốt của châu Âu sẽ không giảm, và vai trò của Gazprom cũng sẽ không suy giảm".

Theo quan chức ngoại giao Hungary, đối với nước này, "an toàn năng lượng là vấn đề an ninh, chủ quyền và kinh tế, chứ không đơn thuần là vấn đề chính trị... Bạn không thể sưởi ấm các gia đình bằng những tuyên bố chính trị".

Hungary vẫn luôn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga vận chuyển qua đường ống dẫn khí của Ukraine.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Budapest đã đa dạng hóa nguồn cung, mở các kết nối xuyên biên giới với hầu hết các nước láng giềng và đảm bảo nguồn cung cấp từ công ty Shell RDSa.L của Hà Lan, thông qua cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Croatia.

Thỏa thuận cung cấp khí đốt giữa Nga và Hungary được ký kết vào thời điểm châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 và mùa Đông đang đến gần.

Trước đó, ngày 21/9, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã kêu gọi Nga cung cấp thêm khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong bối cảnh giá năng lượng trên lục địa này tăng cao kỷ lục và một số quốc gia có thể phải đối mặt với tình trạng mất điện khi mùa Đông bắt đầu.

(theo Reuters, TASS)