Chính phủ Hungary đệ trình dự luật đầu tiên để 'mở khóa' các quỹ của EU. (Nguồn: Reuters) |
Trước đó, ngày 18/9, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đã khuyến nghị đình chỉ các quỹ trị giá 7,5 tỷ Euro (7,48 tỷ USD) với lý do Hungary không nỗ lực trong việc chống tham nhũng và duy trì pháp quyền.
EC đã đặt ra các yêu cầu đối với Budapest để có thể tiếp cận nguồn vốn của châu Âu, bao gồm cả luật mới mà nước này sẽ cần phải đáp ứng.
Bộ trưởng Tư pháp Hungary Judit Varga cho biết, Bộ này đã đệ trình dự luật đầu tiên lên Quốc hội và chính phủ sẽ tập trung vào việc soạn thảo và thực hiện các cam kết với EU trong những tuần và tháng tới.
Hungary có thể bước sang năm 2023 với sự hỗ trợ tài chính từ EU.
Dự luật sửa đổi luật liên quan đến sự hợp tác của Budapest với văn phòng chống gian lận OLAF của EU, trong đó đảm bảo OLAF nhận được sự hỗ trợ từ các quan chức cơ quan thuế Hungary trong việc điều tra các dự án do EU tài trợ và có quyền truy cập vào dữ liệu và tài liệu.
Ngoài ra, dự luật này thay đổi các quy tắc giám sát cơ sở quản lý tài sản nhà nước, buộc họ phải tổ chức các cuộc đấu thầu cho các dự án mua sắm công và thắt chặt các quy tắc trong quản lý tranh chấp lợi ích.
Trước những thách thức lớn về chi phí năng lượng tăng và lạm phát hai con số, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, Thủ tướng Hungary Viktor Orban dường như sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của EU để có thể tạo ra các thể chế giúp giảm rủi ro tham nhũng trong các dự án do khối tài trợ.
Nếu Budapest không nhận được sự hỗ trợ từ EU, đồng Forint - đã mất 8% giá trị trong năm nay, gần như chắc chắn sẽ mất giá thêm. Điều này làm phức tạp thêm nỗ lực kiềm chế lạm phát và ảnh hưởng đến giá trị tài sản của Hungary trước bất kỳ sự thay đổi tiêu cực nào trên toàn cầu.
Bộ trưởng Phát triển Hungary Tibor Navracsics, người phụ trách các cuộc đàm phán với EU cho hay, quốc gia này sẽ đáp ứng tất cả 17 cam kết đã đưa ra với EC để ngăn chặn việc thất thoát bất kỳ khoản tài trợ nào.