Nhỏ Bình thường Lớn

Hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, công bằng

Để làm được điều đó, thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo...  
huo ng to i mo t vie t nam thinh vuong cong ba ng
Ngày 22/1, các đại biểu dự Đại hội XII thảo luận tại Hội trường.

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo

“Trước đây, vị thế kinh tế Việt Nam có thể nói là đứng đầu khu vực, nhưng hiện nay, GDP tính theo đầu người của nước ta chỉ ở mức 1/5 mức trung bình của thế giới, bằng 1/3 nước láng giềng Thái Lan. Nước ta phải chịu nhiều khó khăn do phải chiến tranh kéo dài, nhưng cũng đã 40 năm thống nhất đất nước, 30 năm đổi mới và đây là khoảng thời gian mà những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bị chiến tranh tàn phá nhưng đã có bước đột phá, từ điểm xuất phát thấp trở thành nước phát triển hàng đầu như hiện nay”, đồng chí Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại phiên thảo luận văn kiện Đại hội Đảng XII.

Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam còn rất ít thời gian và không nhiều những lợi thế truyền thống như cơ cấu dân số, nguồn tài nguyên, lao động rẻ. Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu bắt buộc nếu muốn thoát khỏi những hạn chế, yếu kém hiện tại.

Trong tham luận về vấn đề "Đẩy mạnh cải cách thể chế, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề xuất trọng tâm đổi mới thể chế kinh tế trong giai đoạn tới cần dựa trên 3 trụ cột: Một là thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường. Phải nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền tảng của thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.

Hai là phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước cần tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng trung tâm hướng dẫn và đào tạo cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp các kiến thức cũng như nguồn vốn thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm nhằm tạo ra làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong toàn xã hội. Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia.

Thứ ba, để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài cần có một chương trình cải cách tích cực, đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo; xây dựng một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình về năng suất lao động của Việt Nam.

Bên cạnh những chính sách phát triển kinh tế nhanh, mạnh mẽ, phải xây dựng những chính sách đảm bảo sự công bằng trong phát triển cũng như cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi người dân, nhất là những đối tượng yếu thế, thiệt thòi trong xã hội.

Chủ động tận dụng cơ hội từ hội nhập

Trong tham luận với chủ đề "Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, những vấn đề đặt ra cho giai đoạn tới", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, từ năm 2010 đến nay, chúng ta đã chuyển sang giai đoạn chủ động đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước trong khu vực và thế giới, tạo điều kiện quan trọng cho cải cách kinh tế trong nước và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp, nâng cao lợi thế cạnh tranh của hàng hóa. Kết quả hội nhập kinh tế to lớn đó còn giúp Việt Nam thực hiện chiến lược xoay trục thị trường, thúc đẩy cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ trưởng nhấn mạnh, trong giai đoạn mới đòi hỏi chúng ta phải chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tận dụng các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế, giảm thiểu tác động tiêu cực.

Khẳng định chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” phải là một nội dung trọng tâm trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, trong phát triển kinh tế và thương mại, cần chú trọng việc đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ nước ta trên trường quốc tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới cần có chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng trong từng giai đoạn về hội nhập quốc tế, sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự quản lý thống nhất của Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; gắn kết giữa hội nhập kinh tế quốc tế với đẩy mạnh cải cách trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế; bảo đảm tầm nhìn dài hạn về các mục tiêu phát triển kinh tế, mục tiêu chính trị ngoại giao và mục tiêu chiến lược trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; chú trọng thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mức độ cam kết và tự do hóa thương mại ngày càng cao hơn; cần có sự thống nhất mục tiêu hội nhập từ trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm. Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, đánh giá và dự báo các vấn đề mới, các xu thế vận động của hội nhập....

N.K