📞

Hướng đến một môi trường không khói thuốc tại Việt Nam

16:36 | 18/10/2019
TGVN.Ngày 18/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), tổ chức HealthBridge Canada tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về việc thực hiện môi trường không khói thuốc.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. (Ảnh: A.B)

Hội thảo được tổ chức nhằm giúp các phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí cập nhật thông tin, kiến thức hữu ích về việc thực hiện môi trường không khói thuốc và có nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng hơn nữa về đề tài này.

Phát biểu tại đây, ông Võ Thanh Lâm - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu bật Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn "Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020" đã xác định thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp chủ đạo, do đó, cần đẩy mạnh, nâng cao công tác của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định pháp luật về môi trường không khói thuốc.

Theo ông Võ Thanh Lâm, thời gian qua, các cơ quan báo chí, truyền thông đã, đang tham gia tích cực vào hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Cụ thể như, một số cơ quan báo chí chưa coi đây là nhiệm vụ, thậm chí còn vi phạm pháp luật trong việc đăng tải các hoạt động tài trợ của doanh nghiệp thuốc lá. Nội dung tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đặc biệt các thông tin chưa đa dạng, đầy đủ, đa chiều.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe thông tin về kết quả thực thi môi trường không khói thuốc tại một số địa bàn trên cả nước.

PGS. TS. Phan Thu Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội ban hành và Nghị định số 77/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá là những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá. Thế nhưng, hoạt động của chương trình cũng gặp một số khó khăn như: nghiện thuốc lá hiện nay là một bệnh, đã được phân loại theo ICD 10 (bảng phân loại quốc tế về bệnh tật) nhưng công tác khám, chẩn đoán nghiện thuốc lá lại chưa được chi trả như các bệnh khác.

Ngoài ra, cán bộ y tế tại các cơ sở y tế chưa quan tâm đúng mức đến công tác cai nghiện thuốc lá. Khảo sát hơn 600 cán bộ y tế tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, có đến 31,3% cán bộ y tế hút thuốc lá (đã từng hút và đang hút). Trên cơ sở những khó khăn đó, Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá với các mục tiêu duy trì hoạt động tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá tại bệnh viện, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tại bệnh viện và 63 tỉnh/thành về tư vấn cai nghiện thuốc lá.

Ông Trịnh Văn Hiệp – đại diện Hiệp hội du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, Hiệp hội đã phối hợp các ban, ngành triển khai các hoạt động xây dựng mô hình du lịch không khói thuốc 2017- 2019. Đó là xây dựng mô hình không khói thuốc ở nhà hàng - khách sạn; tham gia các hội chợ du lịch, lễ hội du lịch không khói thuốc; xây dựng đào tạo nghề, nghiệp vụ du lịch không khói thuốc; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền không hút thuốc lá….

Tuyên truyền không hút thuốc tại Văn Miếu, Hà Nội. (Nguồn: Báo Du lịch)

Mặc dù vậy, nguồn lực triển khai còn hạn chế so với số lượng phát triển các nhà hàng - khách sạn, cơ sở văn hóa du lịch ở thành phố. Một số khách trong nước và khách ngoài nước còn có thói quen hút thuốc lá ở khắp nơi kể cả những nơi đã gắn bảng cấm hút thuốc. Công tác kiểm tra thực hiện và xử phạt vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên và đúng mức nên ít nhiều gây ảnh hưởng đến việc tuân thủ quy định và hiệu quả hoạt động.

Là một quận của Hà Nội quan tâm đến phòng, chống tác hại của thuốc lá, quận Hoàn Kiếm đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm Y tế - Kinh tế - Công an – Quản lý thị trường – Thú y. Năm 2017 và 2018, quận đã kiểm tra gần 300 nhà hàng, khách sạn, xử phạt gần 40 cơ sở với tổng số tiền gần 300 triệu đồng.

Bà Phạm Thị Thanh Nhàn - Trưởng Phòng y tế, quận Hoàn Kiếm cho biết, sắp tới quận sẽ triển khai thực hiện mô hình điểm du lịch không khói thuốc với các tiêu chí: có nội quy, biển báo cấm hút thuốc, không mua bán, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá... Dự kiến, đến tháng 12/2019, quận sẽ gắn biển phòng, chống tác hại thuốc lá tại tất cả các điểm du lịch.