Diễn đàn hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á – Âu là một diễn đàn thường niên nhằm mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Nga và liên minh kinh tế Á - Âu. Tại diễn đàn năm nay, các diễn giả cũng trao đổi những thông tin cập nhật về các giải pháp logistics hiệu quả nhằm hỗ trợ dòng chảy thương mại, cũng như chia sẻ về những cơ hội, thành công, kinh nghiệm làm ăn kinh doanh với các doanh nghiệp trong khu vực Á - Âu, trong đó có thị trường Liên bang Nga.
Các mặt hàng nông sản được bày bán trong hệ thống siêu thị Nga. (Nguồn: RIA) |
Sự kiện do Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức.
Hai xu hướng chính tại thị trường Nga
Tại diễn đàn, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga cho biết: “Nga là đối tác chính của Việt Nam trong liên minh với kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga chiếm 92% tổng kim ngạch song phương của khối liên minh Á - Âu và Việt Nam. Theo dự tính năm 2021, kim ngạch xuất khẩu giữa hai bên đạt mức cao nhất từ trước đến nay, khoảng 7,2 tỷ USD.
Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga tin tưởng, với sự năng động của doanh nghiệp và sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và liên minh sẽ đạt mức 10 tỷ USD trong thời gian tới.”
Theo ông Dương Hoàng Minh, hiện nay đang có hai xu hướng chính nổi lên tại Nga.
Thứ nhất, người dân Nga ngày càng yêu thích các món ăn Việt Nam. Tại Thủ đô Moscow và các thành phố lớn, theo đánh giá sơ bộ hiện có khoảng 800 - 900 các nhà hàng, quán ăn bán các món ăn Việt như phở, nem, cơm; các loại trái cây Việt Nam như xoài, thanh long, bưởi; và đồ uống như là cà phê, bia, nước quả.
Ở hầu hết các trung tâm thương mại của Nga đều có các quán ăn Việt, thậm chí một trung tâm có tới hai ba quán.
Một xu hướng khác là các sản phẩm trái cây sấy của Việt Nam, đặc biệt là xoài sấy, với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, bao bì đẹp, đang từng bước chinh phục thị trường Nga. Trong 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu của các nước đối với sản phẩm này từ Việt Nam đã đạt 8,4 triệu USD.
Ông Dương Hoàng Minh cũng thông tin thêm, mới đây, liên minh kinh tế Á - Âu đã đưa 76 đối tác ra khỏi danh sách hưởng thuế quan phổ cập của khối, trong đó có rất nhiều đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa vào Nga và liên minh Á - Âu, như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Achentina, Chile, Peru...
Trong khi đó, các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào liên minh kinh tế Á - Âu và Nga đang được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do. Sau 5 năm thực hiện, phần lớn các sắc thuế đã về 0%.
Trong khi hàng hoá nhập khẩu từ các nước khác vào EAEU và Nga vẫn chịu mức thuế nhập khẩu thông thường. Đây cũng là một lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa vào Nga và liên minh, đặc biệt là các mặt hàng nông lâm, thuỷ sản.
Các khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt
Với những lợi thế kể trên, để tận dụng tối đa các ưu đãi của FTA, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản có giá trị gia tăng cao sang thị trường Nga và các nước trong liên minh kinh tế, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga đã đưa ra một số khuyến nghị tới các doanh nghiệp Việt Nam.
Về công tác thị trường, xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp cần khảo sát thị trường, tham dự nhiều hơn các triển lãm chuyên ngành tại Nga như triển lãm hàng dệt may, giày dép, hàng thực phẩm để tìm hiểu xu hướng tiêu dùng trên thị trường, qua đó tìm kiếm khách hàng.
Theo Thương vụ, các doanh nghiệp trong nước cũng nên hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga để tìm hiểu thị trường, giới thiệu và thúc đẩy các sản phẩm của thị trường Nga và liên minh kinh tế Á - Âu. Ông Dương Hoàng Minh nhấn mạnh, Việt Nam có một lợi thế rất lớn là lực lượng doanh nhân người Việt Nam tại Nga rất đông đảo, nhiều kinh nghiệm và cũng chịu khó tìm tòi những hướng đi mới để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp đã thành công trong việc thâm nhập thị trường Nga thông qua việc tham dự các triển lãm. "Nếu doanh nghiệp làm tốt hơn nữa trong công tác thị trường thì còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sang Nga", ông Minh nhận định.
Về sản xuất, Thương vụ khuyến nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã nên mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất, đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều, đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến, thu hái, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ. Bao bì, mẫu mã cũng cần cải tiến để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trên thị trường.
Về đầu tư, ông Dương Hoàng Minh khuyến nghị các doanh nghiệp nghiên cứu tăng cường đầu tư vào Liên bang Nga để sản xuất các mặt hàng, sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao, như cà phê, thuỷ sản, chế biến trái cây.
Chia sẻ thêm vềkinh nghiệm đầu tư vào thị trường Nga, Ông Đỗ Xuân Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Mareven Food Central nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tại chỗ để đảm bảo yêu cầu về thời gian vận chuyển và chất lượng sản phẩm của thị trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên chủ động, linh hoạt trong mảng logistics và vận chuyển hàng hóa xuất khẩu sang Nga. Hiện nay, nhiều nhà cung cấp Việt Nam không chỉ chọn vận chuyển bằng đường thủy hay đường hàng không mà còn kết hợp giữa đường sắt và đường bộ.
Dựa trên thực tế, theo ông Nguyễn Đình Vượng, PGĐ chi nhánh Công ty TNHH SITC Bondex Việt Nam, việc kết hợp giữa đường sắt và đường bộ giúp tiết kiệm đến 20 ngày so với vận tải bằng đường thủy, đồng thời tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa vào đất liền. Nếu nắm bắt kịp thời, đây sẽ là phương án logistics triển vọng cho hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nga.
Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết sẽ tiếp tục kết hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động thị trường, xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá mà đặc biệt là nông thuỷ sản của Việt Nam sang Liên bang Nga nói riêng và liên minh kinh tế Á - Âu nói chung.