Nhận lời mời của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Với chủ đề “Đưa Tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động”, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các hội nghị Cấp cao liên quan (ASEAN+1, ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á) được tổ chức từ ngày 6-8/9 tại Vientiane, Lào là dịp duy nhất trong năm 2016 để lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác trao đổi sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành ngày 31/12/2015.
Đưa tầm nhìn thành hành động
Tại các Hội nghị, lãnh đạo các nước đã tập trung thảo luận phương hướng và biện pháp tăng cường liên kết ASEAN, củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN và các đối tác, đồng thời trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Việc triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và các định hướng tăng cường hợp tác ASEAN thời gian tới là nội dung chính của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28, diễn ra ngay sau lễ Khai mạc chiều ngày 6/9.
Lãnh đạo các quốc gia ASEAN và Chủ tịch nước Lào Vorachith tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 28 và 29 ngày 6/9/2016 tại Vientiane, Lào. |
Hội nghị nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả và đúng lộ trình Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể dựa trên ba trụ cột Chính trị-an ninh, Kinh tế và Văn hóa - xã hội nhằm đưa liên kết ASEAN ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện và thực chất.
Với quyết tâm thúc đẩy kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 và Chương trình Công tác Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) giai đoạn 3. Theo đó, Kế hoạch Kết nối sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực chiến lược gồm phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, sáng tạo số, chuỗi cung ứng không gián đoạn, tối ưu hóa hoạch định và thực thi chính sách, giáo dục, đào tạo nghề và đi lại nội khối. Chương trình Công tác Hội nhập hướng đến 5 lĩnh vực ưu tiên là thực phẩm và nông nghiệp, thuận lợi hóa thương mại, phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, y tế và phúc lợi, đào tạo và lao động, nhằm tiếp tục hỗ trợ các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam hội nhập khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, hướng tới một ASEAN phát triển đồng đều, bền vững.
Trong sáng 5/9, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ký các văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) để các nước Chile, Marocco và Ai Cập chính thức tham gia Hiệp ước này, nâng tổng số thành viên Hiệp ước lên 35. Việc tham gia Hiệp ước TAC của các nước ngoài khu vực thể hiện sự coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN, đồng thời cho thấy vị thế và vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN ở khu vực và thế giới. |
Qua trao đổi, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh ASEAN đang ở vào thời điểm đặc biệt vì vừa thành lập Cộng đồng, sắp kỷ niệm 50 năm ASEAN ra đời và 10 năm ký Hiến chương (năm 2017) nhưng cũng lại đứng trước những thách thức phức tạp. Vì vậy, ASEAN cần duy trì sự thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Qua đó, ASEAN thể hiện vai trò trung tâm, duy trì hòa bình, an ninh, phát huy tiềm năng về phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực cũng như đề cao các nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Theo các nhà lãnh đạo, ASEAN đã tạo cảm hứng về khả năng phát triển thì ASEAN cũng cần tạo cảm hứng cho thế giới về khả năng gìn giữ hòa bình, ổn định.
Quan hệ đối ngoại của ASEAN là trọng tâm thảo luận của các Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 29 diễn ra sáng 7/9. Ghi nhận những kết quả bước đầu trong triển khai các Chương trình Hành động giai đoạn 2016-2020 giữa ASEAN và các đối tác, các nhà lãnh đạo đánh giá cao việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ (2/2016), Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 20 năm Quan hệ đối thoại ASEAN - Nga (5/2016), cũng như công tác chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN và các đối tác bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này. Hội nghị cũng hoan nghênh việc nâng cấp quan hệ giữa ASEAN với Đức và Thụy Sỹ; nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã trao đổi về các thách thức khu vực và quốc tế, trong đó có các hoạt động khủng bố, cực đoan, tội phạm mạng, vấn đề biến đổi khí hậu và bệnh dịch, nhất là dịch bệnh Zika, và tình hình tại Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên.
Đóng “vai trò nòng cốt”
Phát huy vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đóng “vai trò nòng cốt” trong một số vấn đề lớn của hiệp hội, Đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị nhằm mục tiêu góp phần thúc đẩy ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, hoạt động hiệu quả hơn, củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; đẩy mạnh quan hệ toàn diện và thực chất giữa ASEAN với các đối tác Đối thoại.
Lãnh đạo 10 nước ASEAN ra mắt chiến dịch VisitASEAN@50 kêu gọi mọi người tham quan các nước ASEAN nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. |
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao 28, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ưu tiên nâng cao năng lực và tính tự cường của ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Thủ tướng cho rằng mỗi nước thành viên đều có lợi ích và trách nhiệm trong việc tăng cường đoàn kết và thống nhất ASEAN, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích của ASEAN – một Cộng đồng cùng chung vận mệnh.
Về các lĩnh vực hợp tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xác định rõ trọng tâm, ưu tiên trong quá trình thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch triển khai trên từng trụ cột. Cụ thể, về chính trị-an ninh, ASEAN cần đẩy mạnh các hoạt động xây dựng lòng tin, các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, phát huy các quy tắc và chuẩn mực ứng xử của ASEAN, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, gìn giữ hòa bình, an ninh, ngăn ngừa nguy cơ xung đột ở khu vực, hợp tác ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là khủng bố và an ninh mạng.
Về kinh tế, ưu tiên hiện nay của ASEAN là thực hiện các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, thúc đẩy hợp tác khu vực về giám sát kinh tế vĩ mô, bảo đảm ổn định tài chính-tiền tệ.
Về văn hóa - xã hội, theo Thủ tướng, ASEAN cần đẩy mạnh trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực, nhất là lao động lành nghề, chú trọng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai. Về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, ASEAN nên tập trung phát triển mạng lưới đường bộ và đường sắt, tăng cường năng lực đường biển và hàng không; nâng cao năng lực hội nhập khu vực của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ASEAN tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và các tầng lớp xã hội, tạo sự đồng thuận và ủng hộ đối với hợp tác ASEAN. Đồng thời, Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên ASEAN triển khai những hoạt động thiết thực, hiệu quả ghi dấu ấn sâu đậm cho ASEAN sau nửa thế kỷ hình thành và phát triển lớn mạnh.