Hội thảo Điện ảnh quốc tế "Chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á" hút sự quan tâm của nhiều nhà làm phim, chuyên gia lĩnh vực điện ảnh trong và ngoài nước. |
Chiều 14/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cùng sự hợp tác của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo Điện ảnh quốc tế Chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Sự kiện có sự tham gia của Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz, cùng các nhà quản lý, đại diện các cơ quan ban ngành, các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất phim, các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực điện ảnh.
Hội thảo rất có ý nghĩa khi được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953-15/3/2023).
Sự phát triển của Điện ảnh Việt
Trong nhiều thập kỷ của thế kỷ trước, điện ảnh Việt Nam vốn được thế giới biết đến như một "nền điện ảnh chiến tranh". Điện ảnh Việt Nam là "nhân chứng" của từng giai đoạn lịch sử: từ đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc đến thống nhất và tái thiết đất nước, rồi bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Ngày nay, trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang được xem là "mũi nhọn" trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hoá của Việt Nam.
TS. Ngô Phương Lan phát biểu khai mạc Hội thảo Điện ảnh quốc tế. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết, Luật Điện ảnh được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Từ chỗ điện ảnh được coi là một ngành nghệ thuật, luật cũng xác định điện ảnh là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế.
Khung pháp lí đã có, nhưng để hiện thực hoá vào đời sống cần có những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp từ nhà nước để phát huy năng lực sáng tạo của nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công - tư trong sản xuất, phát hành, phổ biến phim để phát triển thị trường điện ảnh Việt và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh ngày càng lớn mạnh.
Do đó, việc tập trung trao đổi về chính sách tại Hội thảo, tiếp thu kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, các nghệ sĩ, nhà làm phim thuộc các thế hệ của điện ảnh Việt Nam với các chuyên gia từ những nước đã có quá trình xây dựng công nghiệp điện ảnh từ nhiều thập kỷ và các nước gần gũi trong khu vực Đông Nam Á là rất bổ ích và thiết thực.
TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chia sẻ, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nền văn hóa của mỗi quốc gia, các lĩnh vực nghệ thuật trong đó có nghệ thuật điện ảnh, muốn phát triển để trở nên phong phú, đa sắc màu, cần được xây dựng trên tinh thần vừa giữ gìn được bản sắc độc đáo của mình, vừa cởi mở, tiếp thu được tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đó là quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa của Việt Nam.
Là một quốc gia có nền văn hóa đặc sắc, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát huy tài nguyên văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, coi phát triển công nghiệp văn hóa là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới.
Nhà nước Việt Nam ban hành nhiều chính sách để xây dựng nền công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh. “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, “Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030”, Luật Điện ảnh năm 2022… đã thể hiện được quan điểm và định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam mà công nghiệp điện ảnh được xem là ngành mũi nhọn.
TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. |
Ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, ngành công nghiệp điện ảnh của các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines… cũng được Chính phủ quan tâm và xây dựng không ít chính sách để ưu tiên phát triển. Trong khối Đông Nam Á, các nền điện ảnh ra đời trong những thời kỳ khác nhau, có lịch sử hình thành và phát triển không giống nhau, nhưng đến nay, phải ghi nhận về sự vượt lên mạnh mẽ của nhiều nền điện ảnh.
Đó không chỉ là sự trỗi dậy ở nội địa, mà một số nền điện ảnh đã khẳng định được vị trí trên bản đồ khu vực châu Á, có quốc gia ghi dấu được thành tựu điện ảnh tại các Liên hoan phim quốc tế uy tín trên thế giới. Điện ảnh ASEAN đã và đang được các nhà hoạt động điện ảnh toàn cầu quan tâm bởi tiềm năng dồi dào và cần tiếp tục được phát triển mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Thế Kỷ kỳ vọng, sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà hoạt động điện ảnh của Việt Nam sẽ tìm được giải pháp để phát triển được ngành điện ảnh ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Luật Điện ảnh Việt Nam: Từ khung pháp lý đến thực thi
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz cho hay, văn hóa và nghệ thuật đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa mà tất cả chúng ta đang trải qua và bị ảnh hưởng. Văn hóa, nghệ thuật cũng là một phần quan trọng trong mối quan hệ gắn bó giữa Việt Nam và Đan Mạch và là lĩnh vực hai nước đã có sự hợp tác hiệu quả trong nhiều năm qua.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz. |
Hiệp định đối tác toàn diện được ký kết giữa Đan Mạch và Việt Nam vào năm 2013 tạo ra một khuôn khổ mạnh mẽ cho đối thoại chính trị, thương mại và hợp tác thương mại và các vấn đề văn hóa. Đan Mạch có chung lợi ích trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam và nâng cao những đóng góp quý báu của ngành này cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước. Vì lý do này, Đan Mạch đã ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ và tư vấn cho Việt Nam thông qua nền tảng đối thoại chính sách.
Những nỗ lực này thể hiện qua nhiều hội thảo thành công trong suốt 15 năm qua, các chuyên gia Đan Mạch và quốc tế đã tư vấn cho Việt Nam về các chính sách và biện pháp quan trọng như khuyến khích sản xuất phim, phát triển thị trường nghệ thuật thị giác, quản lý và bảo vệ bản quyền,...
Kể từ khi Luật Điện ảnh đầu tiên được thông qua vào năm 2006, điện ảnh Việt Nam và quốc tế đã có một chặng đường dài, đặc biệt là sự phát triển của các nền tảng xem phim trực tuyến, hợp tác quốc tế trong sản xuất phim và đặc biệt là sự đa dạng trong các hình thức thể hiện trong sản xuất phim.
Đại sứ Nicolai Prytz cho rằng, dù Luật Điện ảnh mới có hiệu lực giải quyết nhiều vấn đề đáng quan tâm, vướng mắc mà ngành điện ảnh gặp phải, nhưng giữa luật và khung pháp lý thực thi sẽ luôn có khoảng cách. Lắng nghe ý kiến của những người đang làm việc trong ngành là rất quan trọng để làm cho luật pháp và các quy định trở nên khả thi hơn.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart phát biểu. |
Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart, ngành điện ảnh Việt Nam đại diện cho một lĩnh vực tăng trưởng chiến lược với nhiều hiệp hội và mạng lưới rộng lớn, các địa điểm quay tuyệt đẹp và các nghệ sĩ tài năng, sáng tạo.
Những sửa đổi mới của Luật Điện ảnh đã làm rõ các yêu cầu về nội dung phim và sản xuất phim, thúc đẩy hợp tác giữa các nhà làm phim Việt Nam và nước ngoài, củng cố khung pháp lý cho các nhà làm phim. Điều này đưa ngành điện ảnh Việt Nam sang một kỷ nguyên mới: sáng tạo hơn, chất lượng phim cao hơn và nội dung văn hóa hơn.
Phiên thảo luận thứ nhất của Hội thảo do bà Phan Cẩm Tú - Tư vấn của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam điều phối. |
Hội thảo gồm 3 phiên thảo luận chính: Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim có sự tham gia của Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh; Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lý Phương Dung; Trưởng ban Quốc tế tại Viện phim Đan Mạch (DFI) Jacob Neiiendam.
Tại phiên thứ nhất, người điều phối là bà Phan Cẩm Tú - Tư vấn của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã nêu các vấn đề cần thảo luận để các chuyên gia giải đáp. Cụ thể là các vấn đề liên quan đến chính sách phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mũi nhọn, chính sách của Nhà nước về tài trợ sản xuất phim và chính sách bảo hộ phim trong nước, những thay đổi cần thiết trong chính sách và giải pháp tài trợ/đặt hàng của Nhà nước để sản xuất được những bộ phim thành công.
Phiên thảo luận thứ 2 do bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch điều phối. |
Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim do bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch điều phối có sự tham gia của các chuyên gia: Biên kịch, Đạo diễn Phan Đăng Di; Chuyên gia Điện ảnh Cấp cao, Phó Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Indonesia Vivian Idris; Nhà sản xuất, cán bộ nghiên cứu chủ chốt của Dự án Thúc đẩy Kết nối và Thiết kế Môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim do UNESCO tài trợ tại Thái Lan AJ. Kissada Kamyoung.
Các vấn đề được thảo luận ở phiên 2 là: Chính sách điện ảnh tại các nước ASEAN: chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa Việt Nam, Indonesia và Thái Lan; chính sách ưu đãi khi hợp tác, cung cấp dịch vụ sản xuất phim với đối tác nước ngoài; Thu hút đối tác quốc tế đầu tư vào các hãng phim chất lượng cao tại Việt Nam; tổ chức Liên hoan phim, Giải thưởng điện ảnh.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông thông tin về những chính sách, hoạt động hỗ trợ ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam. |
Phiên thảo luận thứ ba có chủ đề Khuyến nghị về chính sách, biện pháp thúc đẩy sáng tạo và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia do nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc điều phối. Tham gia thảo luận gồm có các chuyên gia: Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film) Nguyễn Trinh Hoan; Cố vấn cho Ủy ban Vương quốc Anh tại UNESCO David Wilson; Tiến sĩ Đào Lê Na - Giảng viên Đại học Fullbright, Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Các vấn đề được đưa ra thảo luận: Phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực và nuôi dưỡng tài năng điện ảnh, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, phân phối phim trong nước ra nước ngoài và trên các nền tảng kỹ thuật số, kinh nghiệm mô hình một số Quỹ Điện ảnh quốc tế.
Phiên thảo luận thứ 3 do nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc điều phối. |
Hội thảo quốc tế về điện ảnh lần này là dịp để các chuyên gia đóng góp những ý kiến thiết thực, đề xuất những giải pháp hiệu quả để các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nghệ sĩ sáng tạo, các nhà làm phim Việt Nam và Đông Nam Á xây dựng nền công nghiệp điện ảnh ở mỗi nước và cùng nhau tạo sự phát triển chung của điện ảnh khu vực.
| Ngắm Lệ Quyên đẹp sang trọng, khoe khéo đường cong quyến rũ trong những bộ đầm gợi cảm Ca sĩ Lệ Quyên thường chọn đầm xuyên thấu gợi cảm, đính kết kỳ công của nhà thiết kế Hoàng Hải trong các đêm nhạc. |
| Lộ diện những 'đối thủ đáng gờm' của Việt Nam trên chặng đua FDI Không chỉ phải cạnh tranh thu hút FDI với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…, giờ đây, Việt Nam còn ... |
| Việt Nam-Vương quốc Anh thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghệ xanh, tận dụng Hiệp định UKVFTA Việt Nam kêu gọi Vương quốc Anh hỗ trợ thúc đẩy chuyển giao các công nghệ xanh, tăng cường thương mại các sản phẩm thân ... |
| Đông đảo doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ triển lãm thủy sản Bắc Mỹ 2023 Qua mỗi kỳ Hội chợ, doanh nghiệp Việt Nam thường kết nối được với khách hàng mới, từ đó đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu, ... |
| Duy trì và gắn kết quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia, nâng tầm vị thế mỗi nước Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, nghiên cứu viên của Trung tâm Tương lai chính sách, Đại học Queensland (Australia), đánh giá về Chương trình hành ... |