Việt Nam và EU đã chính thức ký kết Thỏa thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định EVFTA. |
Ông Lê Dũng, Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Ngoại giao) đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn TG&VN nhân dịp Bộ Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Hợp tác Việt Nam – EU về triển khai Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA)” ngày 24/3 vừa qua tại Hà Nội. Hội thảo nhằm đánh giá kết quả các chuyến làm việc của Đoàn liên Ngành cấp cao tới EU và Chương trình thực tập tại EU, qua đó xây dựng định hướng hợp tác trong tương lai.
Được biết Chương trình Hỗ trợ Đối thoại Chiến lược Việt Nam – EU (SDF) do EU tài trợ nhằm mục đích hỗ trợ Việt Nam thực hiện các nội dung triển khai sớm PCA trong khi Hiệp định chưa được phê chuẩn. Xin ông cho biết thêm về những hoạt động mà Bộ Ngoại giao và Phái đoàn EU tại Việt Nam đã triển khai thông qua SDF thời gian qua?
Cho đến nay, 26/28 nước thành viên EU đã phê chuẩn PCA (hai nước chưa phê chuẩn là Italy và Hy Lạp). Dự kiến tiến trình phê chuẩn PCA sẽ được hoàn tất trong năm nay.
Để hỗ trợ triển khai sớm một số nội dung ưu tiên hợp tác, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Phái đoàn EU tại Việt Nam, thông qua SDF thực hiện ba nhóm hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam.
Một là tổ chức bốn Đoàn công tác liên Ngành cấp cao đi tìm hiểu và thúc đẩy hợp tác với EU trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quản lý khủng hoảng, kinh tế, năng lượng và hàng không vũ trụ… Các chuyến công tác không chỉ góp phần thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực truyền thống mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực mới như tăng trưởng xanh, năng lượng, hàng không, vũ trụ ...
Hai là tổ chức gần 20 hội thảo, tập huấn chuyên đề với sự tham gia của hàng ngàn lượt cán bộ Việt Nam. Bên cạnh cập nhật thông tin về tình hình hợp tác Việt Nam – EU, chức năng, cơ chế hoạt động của EU, các hội thảo và tập huấn còn tập trung thảo luận chuyên sâu vào một số lĩnh vực cấp thiết hiện nay như ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh biển... Các hoạt động này được đánh giá cao và đã thực sự trở thành diễn đàn để hai bên trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đưa ra các đề xuất hợp tác nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác Việt Nam – EU trong thời gian tới.
Ba là Chương trình Học bổng EU. Với hơn 20 suất học bổng, Chương trình đã tạo cầu nối cho các cán bộ trẻ của Việt Nam tiếp cận các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách của EU, qua đó nâng cao nhận thức về EU và tình hình hợp tác Việt Nam - EU.
SDF sẽ kết thúc vào khoảng tháng Mười năm nay. Từ nay đến tháng Mười, thời gian không còn nhiều nhưng chúng tôi vẫn lên kế hoạch tổ chức một hội thảo quốc tế tại Hà Nội và hai khóa tập huấn tại Huế và Nha Trang về năng lượng và tăng trưởng xanh. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tổ chức một hội thảo với quy mô lớn nhằm tổng kết lại toàn bộ quá trình hợp tác Việt Nam – EU trong hơn 25 năm qua.
Có thể nói, sự hỗ trợ của SDF dành cho Việt Nam rất thiết thực và hiệu quả. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã đề nghị EU tiếp tục có những chương trình hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn triển khai PCA khi Hiệp định này có hiệu lực, tương tự như SDF đã làm.
“Quan hệ đối tác Việt Nam – EU sẽ cho phép hai bên ứng phó tốt hơn với các thách thức trong tương lai... Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, đặc biệt trong lĩnh vực giảm nghèo, y tế, tư pháp và pháp quyền, chất lượng giáo dục, quản trị tài chính công, năng lượng bền vững, môi trường và hạ tầng”, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU, ông Bruno Angelet khẳng định tại Hội thảo. |
Nhiều đánh giá cho rằng hợp tác Việt Nam – EU trong thời gian qua có những bước phát triển rất tốt đẹp. Ông có bình luận gì về điều này?
Thực tế đã cho thấy quan hệ Việt Nam – EU trong thời gian qua không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp. Về tổng thể, nếu trước đây Hiệp định khung Việt Nam – EC năm 1995 xác định mối quan hệ giữa Việt Nam và EU là “một bên cho” và “một bên nhận” trong đó, hỗ trợ phát triển là chủ đạo thì Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) năm 2012 đã đưa quan hệ hai bên phát triển lên một cấp độ mới, trở thành “đối tác” và “hợp tác toàn diện”.
Về chính trị, hai bên thường xuyên tiếp xúc, trao đổi đoàn, thể hiện sự tin cậy và quyết tâm thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu. Gần đây, chúng ta được chứng kiến chuyến thăm EU của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 1/2013), của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 12/2015). Về phía EU có chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (tháng 10/2012) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso (tháng 8/2014). Về thương mại, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Trung Quốc), thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) của Việt Nam. Trao đổi thương mại hai chiều tăng trung bình 15 – 20%/năm. Từ năm 2001 đến 2015, thương mại Việt Nam - EU đã tăng gấp 9 lần, từ 4,5 tỷ USD lên 41,8 tỷ USD.
Về đầu tư, đến nay đã có 23/28 nước thành viên EU đầu tư vào Việt Nam với gần 2.000 dự án với tổng vốn khoảng 22 tỷ USD. Về hợp tác phát triển, EU là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về viện trợ phát triển chính thức và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Giai đoạn 1993 – 2013, tổng vốn ODA của EU và các nước thành viên cam kết dành cho Việt Nam đạt gần 14 tỷ USD, chiếm 20% tổng cam kết của cộng đồng tài trợ quốc tế, trong đó, viện trợ không hoàn lại đạt 1,5 tỷ USD.
Giai đoạn 2014 – 2020, riêng EU cam kết dành cho Việt Nam 400 triệu Euro hỗ trợ phát triển, tăng 30% so với giai đoạn 2007 – 2013. Hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành đang ngày càng được tăng cường và mở rộng. Bên cạnh đó, Việt Nam và EU đang phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM)… để đối phó với các thách thức toàn cầu như chống khủng bố, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu...
Với việc ký kết PCA và cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), quan hệ Việt Nam – EU đã thực sự có những thay đổi cơ bản về chất và đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Quan hệ hợp tác Việt Nam - EU đã đi được một chặng đường dài rất thành công.
Để hướng tới Quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện, xin ông cho biết trọng tâm hợp tác Việt Nam – EU trong thời gian tới?
EU là đối tác có vị trí và tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế, có nhiều thế mạnh về khoa học, công nghệ và tiềm năng vốn. Hợp tác Việt Nam – EU trong thời gian tới cần đi vào chiều sâu, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện thành công các mục tiêu mà Đại hội Đảng XII đã đề ra cho giai đoạn 2016-2020.
Để hướng tới Quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện với EU, trong thời gian tới, hai bên cần tập trung làm tốt ba nhiệm vụ chính. Một là, triển khai hiệu quả PCA ngay sau khi Hiệp định này được phê chuẩn và có hiệu lực; Hai là, thúc đẩy ký kết, phê chuẩn và thực hiện hiệu quả EVFTA, tranh thủ những cơ hội mà Hiệp định này mang lại; Ba là, triển khai hiệu quả Chương trình Hợp tác định hướng Việt Nam – EU giai đoạn 2014 – 2020 trị giá 400 triệu Euro.
Có thể nói Việt Nam tìm thấy ở EU một đối tác quan trọng, một thị trường rộng lớn, nhà đầu tư nhiều tiềm năng và nhà tài trợ quý báu. EU tìm thấy ở Việt Nam một đối tác tin cậy, có vị thế và vai trò quan trọng trong chiến lược hướng tới châu Á. Trên nền tảng của các thành quả hợp tác và với quyết tâm của lãnh đạo hai bên, trong thời gian tới, quan hệ giữa Việt Nam và EU sẽ có nhiều bước phát triển mới với mức độ hợp tác rộng lớn và sâu sắc hơn nữa, đáp ứng lợi ích thiết thực của cả hai bên, góp phần phục vụ công cuộc Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam cũng như đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Xin cảm ơn ông!