Trong chương trình tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đến thăm gia đình kiều bào Phạm Văn Tịch tại thành phố Berkeley thuộc quận Alameda, bang California, Hoa Kỳ, ngày 15/11/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm huy động nguồn lực NVNONN tham gia phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng lần XIII đã đề ra; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố sức mạnh, tiềm năng của cộng đồng NVNONN đóng góp cho đất nước.
Ba nhóm giải pháp cơ bản
Đề án đưa ra ba nhóm giải pháp nổi bật.
Nhóm thứ nhất là giải pháp chung về nâng cao nhận thức, chính sách, tổ chức và cơ chế phối hợp, gồm thống nhất và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác thu hút nguồn lực của NVNONN phục vụ phát triển; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho NVNONN yên tâm trở về đất nước đầu tư, kinh doanh.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức kinh tế - xã hội xây dựng chính sách, đề án, chương trình cụ thể về việc thu hút nguồn lực của NVNONN.
Nhóm thứ hai là giải pháp riêng đối với từng đối tượng, loại nguồn lực nhằm thu hút chuyên gia, trí thức, nhân tài NVNONN và lao động người Việt trở về nước; cải thiện môi trường đầu tư, duy trì đà tăng kiều hối hàng năm, hỗ trợ NVNONN quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm Việt Nam tại các thị trường ngoài nước; có các chính sách, biện pháp cụ thể phát huy nguồn lực “mềm” của cộng đồng NVNONN.
Nhóm thứ ba là giải pháp bồi dưỡng, phát triển cộng đồng NVNONN ở sở tại; thúc đẩy hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế và chính quyền những nơi có người Việt Nam sinh sống để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ.
Giải pháp nhằm củng cố, phát triển các hội đoàn chuyên gia, trí thức, doanh nhân NVNONN trở thành nòng cốt, dẫn dắt sự phát triển của cộng đồng ở sở tại; thu hút nhóm NVNONN thành đạt ở sở tại tham gia trợ giúp nhóm còn yếu thế; đẩy mạnh công tác dạy tiếng Việt, truyền thụ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam cho các thế hệ thanh thiếu nhi Việt Nam ở nước ngoài, gắn kết thế hệ trẻ NVNONN với trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp đại diện bà con Việt kiều tham dự chương trình Xuân Quê hương 2023 ngày 14/1/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Bốn lĩnh vực chính để phát huy nguồn lực
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN khẳng định, cộng đồng NVNONN không chỉ tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng, mà ngày càng khẳng định vị thế, có đóng góp đối với nước sở tại, vun đắp tình hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, quảng bá hình ảnh đất nước con người, văn hóa
Việt Nam. Theo Thứ trưởng, có bốn lĩnh vực chính có thể phát huy các nguồn lực quý báu của NVNONN.
Trước tiên, đó là nguồn lực trí thức, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10-12% trong cộng đồng gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tương đương khoảng 600 nghìn người. Ngoài ra, lực lượng lao động Việt ra nước ngoài làm việc, đóng góp về tài chính và trở thành nguồn nhân lực cho đất nước với kỹ năng nghề, kinh nghiệm sau thời gian được rèn luyện ở môi trường nước ngoài.
Về nguồn lực kinh tế, doanh nhân người Việt đã có mặt tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có tiềm lực kinh tế và có ảnh hưởng ngày càng tăng không chỉ đối với cộng đồng mà cả chính quyền sở tại. Các doanh nhân kiều bào chính là lực lượng tích cực nhất đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường nhiều nước trên thế giới, hình thành mạng lưới phân phối với nhiều trung tâm thương mại, tổ chức hoặc hội doanh nghiệp theo ngành nghề, đặc biệt những mặt hàng thế mạnh như may mặc, da giày, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…
Đối với nguồn lực “mềm”, kiều bào ở các nước ngày càng hội nhập sâu vào xã hội sở tại, có vị thế vững chắc hơn, tham gia vào hệ thống chính trị ở các cấp độ khác nhau (nghị sĩ Liên bang, Tiểu bang, Hội đồng thành phố…) như ở Mỹ, Đức, Nhật Bản, New Zealand, Australia… Số người Việt Nam/gốc Việt tham gia, giữ vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế cũng có xu hướng tăng lên. Đây là tiền đề quan trọng, góp phần tăng cường lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với nhân dân, chính giới, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.
Về nguồn lực từ thiện, nhân đạo, nhiều năm nay, NVNONN tích cực tham gia các chương trình từ thiện, nhân đạo do trong nước phát động. Nhiều đoàn, dự án thiện nguyện do người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, đi tới các vùng miền của Tổ quốc để trực tiếp hỗ trợ, trao quà tặng, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào gặp khó khăn, đóng góp quan trọng vào thành tựu xóa đói giảm nghèo của đất nước.
Từ con số 2,7 triệu người năm 2003, cộng đồng NVNONN hiện có khoảng 6 triệu người, sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó trên 80% ở các nước phát triển. Tính đến tháng 10/2022, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Trong năm 2022, Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối hàng đầu thế giới với khoảng 19 tỷ USD. |
Năm nhiệm vụ trọng tâm
Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với NVNONN đã khẳng định: “Công tác đối với NVNONN là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân”. Trên tinh thần đó, Đề án xác định rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.
Về phía Bộ Ngoại giao, bên cạnh việc là đầu mối theo dõi, điều phối, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết sẽ tập trung thực hiện năm nhiệm vụ chính.
Thứ nhất là đẩy mạnh công tác hỗ trợ và vận động cộng đồng, phát hiện nhân tố mới, thúc đẩy kết nối, hỗ trợ hình thành, củng cố và phát triển các hội đoàn, mạng lưới trí thức, doanh nhân tích cực đóng góp cho sự phát triển của đất nước; tăng cường vận động chính quyền, cơ quan tổ chức các nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, tạo điều kiện thuận lợi để tăng vị thế của cộng đồng, các tổ chức hội đoàn của người Việt ở sở tại.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu tại họp báo thông tin về Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp”, ngày 14/12/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Thứ hai, tăng cường nghiên cứu, tổng hợp thông tin về tình hình các nguồn lực kiều bào; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân trong việc kết nối, thu hút các nguồn lực của kiều bào; phối hợp với các địa phương tổ chức chương trình dành cho kiều bào như: Xuân Quê hương, Trại hè thanh thiếu niên, tập huấn, bồi dưỡng tiếng Việt, các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp, hoạt động từ thiện hàng năm.
Thứ ba, tổ chức các hoạt động nhằm cập nhật thông tin về tình hình đất nước, chính sách pháp luật; kết hợp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của kiều bào; đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách, pháp luật nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, sản xuất, kinh doanh...
Thứ tư, tiếp tục xây dựng, triển khai các đề án như Đề án Cơ sở dữ liệu về NVNONN, Đề án “Huy động NVNONN tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020-2024”, Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030”.
Thứ năm, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác vận động cộng đồng và thu hút nguồn lực NVNONN.
| Thủ tướng Phạm Minh Chính dự diễn đàn 'Huy động các nguồn lực cho chuyển đổi xanh' Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu phối hợp ... |
| Trí thức kiều bào - Nguồn lực quý của đất nước (Kỳ I): Khơi thông dòng chảy Việc thu hút, tập hợp và sử dụng hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào ngày càng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan ... |
| Kiều bào là nguồn lực để phát triển cộng đồng dân tộc Việt Nam Hội nghị ‘Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp’ là dịp để cộng đồng người Việt Nam ở nước ... |
| Trí thức kiều bào - Nguồn lực quý của đất nước (Kỳ II): Sức mạnh thủ lĩnh Để phát huy hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào vào sự nghiệp phát triển đất nước không thể thiếu vai trò của những ... |
| Trí thức kiều bào - Nguồn lực quý của đất nước (Kỳ III): Tâm nguyện của người Việt trẻ Những người Việt trẻ ở nước ngoài luôn đau đáu, trăn trở về vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất ... |