Ông Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND Huyện Bắc Ái. |
Kinh tế - xã hội khởi sắc
Huyện Bác Ái là 1 trong 85 huyện nghèo của cả nước, có 9 xã thuộc khu vực III - xã đặc biệt khó khăn với 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm trên 90%. Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của địa phương, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Bác Ái đã có nhiều khởi sắc. Nhiều công trình hạ tầng cơ sở đã được xây dựng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ, du lịch có chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tập quán sản xuất nhỏ lẻ dần chuyển sang phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, thân thiện môi trường. Toàn huyện đã thực hiện các mô hình cánh đồng lớn trồng lúa ở xã Phước Chính; mô hình trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao ở xã Phước Bình,… mang lại thu nhập cao cho người dân.
Nhiều chương trình, dự án được đầu tư với quy mô lớn trên địa bàn như: dự án thủy lợi Tân Mỹ; dự án thủy điện tích năng Bác Ái; tuyến đường Phước Đại - Phước Tân; dự án phát triển cây dược liệu, cây ăn quả chất lượng cao Nitatech; Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh (xã Phước Tiến); các dự án nông nghiệp công nghệ cao, Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Sola...đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Thêm vào đó, nhiều nhà đầu tư đã khảo sát, đầu tư các dự án điện năng lượng tái tạo như: Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận (xã Phước Trung), Nhà máy điện mặt trời Bác Ái 2 (xã Phước Tân), Nhà máy điện mặt trời Bác Ái 3, 3A, 3B (xã Phước Thành),… qua đó góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thu ngân sách trên địa bàn bình quân hàng năm tăng 10%. Các lĩnh vực văn hoá – xã hội cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động giáo dục phát triển khá toàn diện. Mạng lưới y tế từ huyện đến xã đáp ứng tốt việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy, trong đó các giá trị truyền thống của đồng bào Raglai được bảo tồn và phát huy hiệu quả gắn với phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Riêng trong năm 2021, dù đối mặt với nhiều khó khăn khi thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhưng kinh tế - xã hội huyện Bác Ái vẫn giữ được sự ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả. Tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 1.593 tỷ đồng, đạt 100,2% KH, tăng 11% so cùng kỳ. Tổng diện tích gieo trồng 11.455 ha/11.200 ha, đạt 102% KH. Tổng đàn gia súc 90.089 con/86.000 con, đạt 104,8% KH; thu ngân sách đạt 15,2 tỷ đồng/11,2 tỷ đồng, đạt 136,4% KH. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 100% KH; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Để tạo bước chuyển mới về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và những năm tiếp theo, trước mắt, huyện Bác Ái sẽ đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả theo hướng chủ động, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng Bác Ái ngày càng phát triển nhanh và bền vững, huyện định hướng tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; kêu gọi, thu hút đầu tư chọn lọc, tập trung vào các ngành, lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến, chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, có cơ cấu hợp lý về cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh; khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, hình thành không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào Raglai Ninh Thuận;…
Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân tại huyện Bác Ái. |
Tập trung giảm nghèo bền vững
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, huyện Bác Ái luôn ưu tiên các nguồn lực để thực hiện chương trình giảm nghèo kết hợp xây dựng NTM. Đến nay, diện mạo nông thôn huyện miền núi Bác Ái ngày càng thay da, đổi thịt, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Theo đó, toàn huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách theo Nghị quyết 30a, Chương trình 135 của Chính phủ và một số chương trình, chính sách hỗ trợ khác như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình hiệu quả tập trung vào những hộ nghèo, cận nghèo, các hộ có khả năng thoát nghèo, nhằm giảm nghèo một cách bền vững.
Huyện kết hợp triển khai nhiều mô hình khuyến nông hỗ trợ các địa phương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển mô hình trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm. Các chính sách đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn cũng được chú trọng thực hiện. Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn huyện giảm 5,9% và hiện còn 28,75%. Mặt khác, giai đoạn 2015-2021, từ nguồn ngân sách của địa phương và các nguồn quỹ của Trung ương và tỉnh hỗ trợ, huyện Bác Ái đã xây mới, sửa chữa 1.500 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách và người có công, với tổng số tiền trên 21 tỷ đồng, qua đó giúp các hộ từng bước ổn định cuộc sống.
Huyện đã triển khai Chương trình 30a của Chính phủ với tổng kinh phí phân bổ hàng trăm tỷ đồng, đầu tư trên 220 hạng mục công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Đến nay, 100% đường liên huyện, xã, thôn trên địa bàn huyện đã được trải nhựa, cấp phối hoặc bê tông hóa; trên 95% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 9/9 xã có trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế; mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội của người dân được nâng lên đáng kể. Kết quả này góp phần thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng NTM. Hiện, số tiêu chí đạt chuẩn NTM toàn huyện tăng gần gấp 3,5 lần, đạt trung bình mỗi xã hơn 10 tiêu chí, không có xã dưới 5 tiêu chí.
Với mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Bác Ái phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đưa công cuộc giảm nghèo đi vào thực chất, giảm nghèo nhanh và thật sự bền vững, giúp cho các hộ nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo, từng bước về đích nông thôn mới và xây dựng trung tâm Phước Đại thành trị trấn, đô thị đặc trưng miền núi.