Với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”, Diễn đàn do Tạp chí Kinh tế Việt Nam và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu khai mạc Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 16. (Ảnh: Quang Hòa) |
Thế giới sẽ định hình các “luật chơi mới”
Đánh giá triển vọng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, nhiều rủi ro, đứng trước nguy cơ suy thoái, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng, bước sang năm 2024, kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục nổi lên một số xu hướng đáng chú ý.
Thứ nhất, kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt. Tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 tiếp tục gia tăng với hơn 70 cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia, dự báo kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách kinh tế đáng chú ý.
Báo cáo Triển vọng toàn cầu của Ngân hàng thế giới (WB) công bố ngày 9/1 dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 giảm xuống mức 2,4%. Đây là năm giảm thứ ba liên tiếp và thấp hơn 0,75% so với mức trung bình của giai đoạn trước. Tốc độ tăng thương mại toàn cầu chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch. Cùng với đó, WB nhận định toàn cầu có cơ hội xoay chuyển cục diện tăng trưởng hiện nay thông qua việc triển khai các chính sách đồng bộ nhằm kích hoạt “đầu tư bùng nổ” (investment booms).
“Các nước đang phát triển ước tính cần đầu tư 2,4 nghìn tỷ USD/năm đến năm 2030 để đạt các mục tiêu phát triển bền vững, cần đánh giá sâu thêm tác động đến Việt Nam”, Thứ trưởng lưu ý.
Thứ hai, địa chính trị toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, các điểm nóng xung đột ngày càng gia tăng, đặt ra nhiều hệ lụy đa chiều đối với kinh tế toàn cầu, nhất là phân mảnh kinh tế ngày càng sâu sắc. Hội nghị WEF Davos 2024 đặt chủ đề về “Khôi phục lòng tin” cho thấy tính cấp bách hiện nay của việc duy trì hợp tác, kiểm soát rủi ro trong cạnh tranh nước lớn và thúc đẩy vai trò của đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương.
Thứ ba, liên kết kinh tế quốc tế đang chuyển biến mạnh mẽ gắn với xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. “Nhiều nhận định cho rằng các điều chỉnh của liên kết kinh tế hiện nay diễn ra với tốc độ nhanh, nội hàm ngày càng phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề sau biên giới quốc gia, đồng thời định hình các ‘luật chơi mới’ tạo ra sức ép bắt buộc phải thực thi, tác động đến khả năng cạnh tranh, thích ứng của các nước đang phát triển. Do đó, cần phân tích xu thế mới tác động đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam”, Thứ trưởng chỉ rõ.
Nhắc lại cuộc trò chuyện với một chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng thế giới (WB), TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết xu hướng bao trùm năm vừa qua đó là kinh tế bất định, rủi ro và tăng trưởng chậm lại. Theo dự báo mới nhất của WB, năm 2023, kinh tế toàn cầu tăng trưởng khoảng 2,6%, còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính mức tăng 3%.
Bước sang năm 2024, ba từ khóa “rủi ro, bất định, thận trọng” vẫn tiếp diễn khiến kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm hơn khoảng 2,4%, chủ yếu do Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, song theo vị chuyên gia này, khu vực châu Âu năm nay dự báo phục hồi tốt hơn và bù đắp mức sụt giảm của các nền kinh tế lớn.
Bốn rủi ro, thách thức lớn
So sánh với các quốc gia trong khu vực, TS. Cấn Văn Lực cho biết kinh tế Việt Nam năm vừa qua tăng trưởng 5,05%, dù thấp hơn so với kế hoạch nhưng ở mức tương đối cao trong khu vực, chỉ kém Ấn Độ với mức tăng trưởng rất tốt 6,3%, thấp hơn Philippines một chút, tương đương với Trung Quốc và mức tăng trưởng bình quân của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Từ bối cảnh vẫn chịu nhiều biến động, TS. Cấn Văn Lực tóm lược một số rủi ro, thách thức lớn với kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024: xung đột địa chính trị còn vô cùng phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; rủi ro về tài chính, tiền tệ, sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ; nợ gồm cả nợ công, nợ tư thế giới đều cao, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng.
Trong khi đó, tình hình tại Việt Nam yên ổn hơn. Câu chuyện an ninh lương thực, an ninh năng lượng vẫn luôn là một vấn đề rất lớn đối với thế giới, trong đó có Việt Nam; giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính, tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn (subdued growth).
“Nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, một phần do độ ngấm của lãi suất cao sẽ kéo dài sang năm 2024. Điều này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam”, TS. Cấn Văn Lực lưu ý.
Toàn cảnh Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 16. (Nguồn: VnEconomy) |
Nhận diện các động lực tăng trưởng
Trước bối cảnh tăng trưởng thế giới năm 2024 được dự báo sẽ còn thấp hơn năm 2023 dù những “làn gió ngược” có thể sẽ giảm đi nhưng GS. TS Hoàng Văn Cường không giấu sự lo lắng khi Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng khá cao, từ 6% – 6,5%, cao hơn năm 2023. “Điều đó cho thấy chúng ta cần nỗ lực rất lớn mới có thể đi ngược lại xu thế”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhìn nhận.
Từ việc trao đổi với các chuyên gia tại Diễn đàn cho thấy Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội mới nhưng nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực bên ngoài hay nguồn lực xuất khẩu thì khó thể vượt lên để đi ngược lại với xu thế chung. Vì thế, cần khai thác hiệu quả nội lực, làm thế nào biến điều đó thành động lực thực sự cho tăng trưởng để vươn lên. Đồng thời, cần có hành động cụ thể nhằm “chớp” được các cơ hội rất lớn đang mở ra, đơn cử về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Những yếu tố này sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về cấu trúc của nền kinh tế.
Trong các động lực tăng trưởng quan trọng, GS. TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, không thể không nhắc đến quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tập trung các nỗ lực, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp với quyết tâm tạo ra bước phát triển mới trong năm 2024.
“Trong đó, chúng ta không chỉ thu hút các nhà đầu tư vào mà cần phải đồng hành với họ. Để làm được điều đó, chúng ta cần cải cách mạnh mẽ về thể chế, tạo ra môi trường pháp lý và tạo cơ hội, chứ không phải tháo gỡ”, GS. TS Hoàng Văn Cường thẳng thắn.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần chú trọng giải bài toán làm sao cho doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn.
“Tôi không thích từ ‘tháo gỡ khó khăn’, vì tháo gỡ khó khăn là chúng ta cứ chạy theo những khó khăn và vai trò chủ động, dẫn dắt của Nhà nước giảm đi rất nhiều”, ông Tuấn nêu quan điểm và cho rằng, chúng ta hãy từ “tháo gỡ khó khăn” chuyển sang “tạo thuận lợi”.
Theo ông Tuấn, đây là cách tiếp cận tốt hơn, thể hiện rõ vai trò sẵn sàng trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có lẽ là điều cần phải làm ở nhiều cấp. “Đây chính là chìa khóa để lấy lại niềm tin, cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường kinh doanh nhanh nhất, chủ động nhất”, ông Tuấn chia sẻ quan điểm.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu bật bốn điểm nhấn chính sách cho thấy quyết tâm hành động của Chính phủ và Quốc hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay.
Thứ nhất, về phương hướng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đều nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh 16 chữ vàng với bốn thông điệp hành động Kỷ cương trách nhiệm - Chủ động kịp thời - Tăng tốc sáng tạo - Hiệu quả bền vững.
Thứ hai, các Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội đều nêu bật các giải pháp nhằm tận dụng những thành tựu lớn về ngoại giao kinh tế của năm qua. Trong đó, hai nhóm giải pháp điểm nhấn là tiếp tục thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo và đào tạo nguồn nhân lực.
Thứ ba, chú trọng ưu tiên thu hút FDI. Đáng chú ý, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế tối thiểu toàn cầu, song song với đó giao Chính phủ sớm thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thuế thu nhập bổ sung này.
Cuối cùng, chính sách hướng tới cộng đồng doanh nghiệp. Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh rất nhiều đến Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, theo đó thúc đẩy động lực của cộng đồng doanh nghiệp.
| Thủ tướng dự WEF Davos 2024: Mở ra các động lực tăng trưởng mới! Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh ... |
| Những lý do đang 'bào mòn' động lực tăng trưởng kinh tế Trung Quốc Kinh tế Trung Quốc được đự đoán sẽ ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 30 năm qua vào năm 2023. |
| Chuyên gia quốc tế: Kinh tế Việt Nam 2024 đầy hứa hẹn, mức tăng trưởng từ 6% trở lên Kinh tế Việt Nam năm 2023 tiếp tục phục hồi với nhiều điểm sáng nổi bật. Bước vào năm 2024, nhiều định chế tài chính ... |
| Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Cơ hội lớn trong ‘chiếc bánh khổng lồ’ Năm 2023, vượt khó khăn chung của thế giới, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam vẫn là điểm sáng. Trong ... |
| ADB: Việt Nam bảo đảm sức chống chịu cao của nền kinh tế Chính phủ Việt Nam đã đạt được sự cân bằng giữa các chính sách tiền tệ và tài khóa để ổn định kinh tế vĩ ... |