Các Bộ trưởng trong Chính phủ mới của Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Ngày 12/11, Thủ tướng Lucas Papademos đã có các cuộc hội đàm khẩn cấp với Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức, hai nền kinh tế đầu tàu của Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) xung quanh gói cứu trợ mới của châu Âu dành cho Hy Lạp.
Việc thuyết phục các đối tác châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải ngân khoản vay tiếp theo trị giá 8 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ nhất là ưu tiên hàng đầu của nội các mới ở Hy Lạp.
Nếu không nhận được khoản vay này trong tháng 11 để thanh toán các khoản nợ đáo hạn, Athens sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, thậm chí phá sản hoặc phải rời khỏi Eurozone.
Tại cuộc hội đàm, cả Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều thúc ép Hy Lạp sớm thi hành đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và IMF, và khẳng định đó là điều kiện bắt buộc để Hy Lạp có thể được giải ngân trong khuôn khổ gói cứu trợ mới của EU-IMF.
Trong một diễn biến khác có liên quan, cùng ngày 12/11, Tổng thống Pháp Nicôla Xáccôdi và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hội đàm về diễn biến hiện nay trong toàn Khu vực đồng euro và bàn các biện pháp khẩn cấp để thúc đẩy thực hiện thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh EU ngày 27/10 vừa qua.
Lãnh đạo hai nền kinh tế đầu tàu của Eurozone đã khẳng định quyết tâm bảo vệ đồng euro và cũng tính đến khả năng Hy Lạp có thể không đáp ứng các điều kiện để được giải ngân.
Trường hợp này đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ phải đương đầu với nguy cơ vỡ nợ và có khả năng phải rút khỏi Eurozone.
Một số chuyên gia kinh tế thế giới cũng cảnh báo Italy, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có nguy cơ phải rời khỏi Eurozone.
Theo trang tin điện tử www.courant.com, chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới Nouriel Roubini ngày 12/11 cảnh báo rằng gói các biện pháp cải cách tài chính khẩn cấp của Italy theo yêu cầu của EU nhiều khả năng sẽ không giúp nước này duy trì được tỷ lệ lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức mà các thị trường tài chính có thể chấp nhận được, và Italy đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ và buộc phải rời khỏi Eurozone nếu không có thêm những hành động kiên quyết hơn.
Trong khi đó, một báo cáo đăng tải trên tạp chí Tấm gương (Đức) cho rằng Chính phủ Đức đang nỗ lực đưa ra các kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone.
Theo nguồn tin trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẵn sàng cho khả năng chính phủ mới của Hy Lạp từ chối thực thi chương trình "thắt lưng buộc bụng" để được nhận đợt cứu trợ tài chính tiếp theo của EU và IMF.
Theo TTXVN/Vietnam+