📞

Hy Lạp hiện đại hóa không quân với 'cặp đôi chiến lược'

Phú Quốc 15:05 | 05/11/2020
TGVN. Việc kết hợp giữa bộ đôi tiêm kích F-35 và Rafales là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa không quân của Hy Lạp.

Mới đây, Washington đã quyết định trang bị cho Hy Lạp máy bay tàng hình tiêm kích F-35 thế hệ thứ năm. Ngoài ra, Hy Lạp cũng vừa ký thỏa thuận với Pháp để mua thêm một số máy bay Rafales giúp tăng cường lực lượng không quân của nước này nhằm đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài.

Máy bay tiêm kích F-35 và máy bay Rafales - cặp đôi thiện chiến của không quân Hy Lạp. (Nguồn: EurAsian Times)

Như vậy, lực lượng Không quân Hellenic (HAF) của Hy Lạp sẽ sớm được trang bị tổng cộng 18 chiếc Rafales, trong đó 6 chiếc sẽ được đóng mới và 12 chiếc còn lại được chuyển nhượng từ nguồn máy bay dự phòng của Không quân Pháp. Đồng thời, HAF cũng nâng cấp lực lượng với 20 máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 - thế hệ máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất thế giới hiện nay.

Nhiều người đã đặt nghi vấn về việc bộ đôi máy bay chiến đấu này sẽ mang lại lợi thế gì cho lực lượng Không quân Hy Lạp Hellenic trong các cuộc không chiến hiện đại?

Theo một số chuyên gia, việc kết hợp máy bay F-35 với khả năng tàng hình tiên tiến, kỹ năng chiến đấu ưu việt cùng hệ thống cảm biến hiện đại của máy bay Rafales sẽ giúp không quân Hy Lạp có được lợi thế "chưa từng có".

Tiêm kích F-35 đang là máy bay chiến đấu tên tuổi được săn đón nhiều nhất trên thế giới. Thậm chí, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã phải "gác lại mâu thuẫn hàng thập kỉ" với Israel để có được hợp đồng mua tiêm kích F-35.

Nếu như tiêm kích F-35 là máy bay chiến đấu đa nhiệm tàng hình, một động cơ, hoạt động trong mọi thời tiết, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tấn công cả trên mặt đất và phòng không thì Rafales là máy bay chiến đấu hai động cơ.

Trong khi F-35 là máy bay chiến đấu linh hoạt và nhanh nhẹn thì Rafales lại tương đối chắc chắn, tốc độ xử lí cao với tỷ lệ lực đẩy trọng lượng tương đối tốt cùng với tải trọng vũ khí lớn hơn.

Bộ đôi này sở hữu radar tần số thấp cùng với thiết kế khí động học tương lai cho phép chúng trốn tránh kẻ thù và tấn công mà không cần cảnh báo. Ngoài ra, bộ đôi còn có khả năng mang nhiều loại tên lửa tầm ngắn và tầm xa.

Với bội đôi này, HAF có thể thực hiện các cuộc tấn công trên bộ cũng như trên biển cùng với các cuộc tấn công trinh sát ở độ chính xác cao vào các căn cứ của kẻ thù.

F-35 được cho là máy bay chiến đấu duy nhất có khả năng "triệt hạ" hệ thống phòng thủ ấn tượng của S-400. Bởi F-35 cho phép lực lượng không quân xâm nhập sâu vào lãnh thổ đối phương và tiêu diệt các hệ thống radar và phòng không như S-400.

Theo các nguồn tin quân sự, Bộ quốc phòng Hy Lạp chủ trương giao nhiệm vụ cho máy bay Rafales đối phó với các máy bay F-16, trong khi đó tiêm kích F-35 đảm nhiệm việc khắc chế sự phòng thủ. F-35 được thiết kế phù hợp với khả năng thâm nhập sâu trong các khu vực được bảo vệ bởi tên lửa đất đối không (SAM).

Cả hai máy bay chiến đấu đều sử dụng tên lửa AAM và AGM với hệ thống radar có chất lượng tương tự nhau. Lợi thế của F-35 là khả năng tàng hình, cho phép xâm nhập sâu vào không phận đối phương, trong khi đó Rafales có thể bắn- hạ gục các mối đe dọa trên không bằng tên lửa BVR.

Ngoài 'bộ đôi chiến lược', hiện tại, HAF cũng đang rất tự tin khi trong lực lượng của mình có sự kết hợp của các máy bay chiến đấu đa năng khác như F-16 Fighting Falcons, Mirage 2000 và F-4 Phantom II.

(theo Eur Asian Times)