Máy bay chiến đấu mới của Mỹ có nhiều tính ưu việt. |
Ngân sách trên sẽ được sử dụng trong 5 năm để triển khai chương trình Tìm kiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) với việc phát triển máy bay chiến đấu bí mật thế hệ thứ sáu mới và là sự thay thế trong tương lai cho F-22 Raptor. NGAD cũng sẽ là chương trình máy bay đầu tiên được hình thành ngay từ đầu như một sự kết hợp giữa máy bay có người lái và không người lái.
Thay thế Raptor
Vào năm 2020, Trợ lý Bộ trưởng Không quân Will Roper khi đó tiết lộ cơ quan hàng không đã thiết kế và bay nguyên mẫu máy bay chiến đấu NGAD chỉ trong một năm, với sự trợ giúp của các công nghệ kỹ thuật số mới. Thiết kế máy bay và các chi tiết khác cũng như danh tính của các nhà thầu liên quan không bao giờ được tiết lộ.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho biết một số thông tin. Bản thân cái tên, Next Generation Air Dominance, đã nhắc đến thế hệ máy bay này không phải là máy bay phản lực thế hệ thứ năm như F-22 Raptor hay F-35 Lightning II, mà là một bước tiến nhảy vọt - máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đầu tiên trên thế giới với những tính năng như tàng hình ban ngày hoặc quang học, mang theo vũ khí laser và sử dụng trí tuệ nhân tạo để giảm khối lượng công việc của phi công.
Tháng 5/2022, Bộ trưởng Không quân Frank Kendall cho biết mỗi máy bay NGAD có người lái sẽ có giá “hàng trăm triệu USD” để so sánh với một chiếc F-35A Lightning II có giá 82,5 triệu USD. Tạp chí Lực lượng Không quân & Không gian đưa tin quân đội sẽ mua từ 200 đến 250 máy bay NGAD có người lái, tương đương với số lượng máy bay ném bom B-21 Raider mà quân đội Mỹ muốn. Lực lượng Không quân cũng cho biết có thể có hai phiên bản máy bay chiến đấu có người lái, một dành cho Mặt trận châu Âu, có thể mang theo trọng tải vũ khí lớn hơn, và một dành cho Mặt trận Thái Bình Dương, với tầm bắn xa hơn.
Theo Tạp chí Lực lượng Không quân & Không gian, trong năm nay sẽ có hai công ty được lựa chọn theo đuổi dự án phát triển các phiên bản máy bay NGAD có người lái, nhưng sẽ chỉ có một công ty trúng thầu.
Có người lái và không người lái
Không giống như các máy bay chiến đấu trước đây, máy bay chiến đấu NGAD có người lái sẽ có sự trợ giúp của máy bay không người lái được gọi là Máy bay chiến đấu hợp tác (CCA). CCA sẽ là máy bay tự động tàng hình, hiệu suất cao với khả năng mang nhiều trọng tải khác nhau, từ cảm biến đến thiết bị gây nhiễu và vũ khí.
Máy bay CCA không người lái sẽ hoạt động như một phần mở rộng của máy bay chiến đấu NGAD có người lái, bổ sung thêm hỏa lực và tầm tiếp cận của cảm biến. Máy bay CCA sẽ bay trước máy bay NGAD có người lái, sử dụng cảm biến của riêng chúng để quét bầu trời và mặt đất bên dưới, cho phép phát hiện sớm các mối đe dọa. Việc ủy quyền sử dụng cảm biến này có thể cho phép máy bay có người lái hoạt động khi tắt hoàn toàn các cảm biến, khiến lực lượng đối phương càng khó phát hiện hơn.
Trong vai trò không đối không, NGAD có thể chỉ đạo các máy bay không người lái đang hộ tống mình phục kích máy bay địch ở tầm xa trong khi vẫn ẩn nấp, hoạt động như những ổ đạn bay của tên lửa. Trong vai trò không đối đất, máy bay CCA có thể bay phía trước và gây nhiễu radar cũng như liên lạc của đối phương, làm tê liệt khả năng của đối phương trong việc bố trí hệ thống phòng thủ hiệu quả, sau đó tiêu diệt các mối đe dọa tên lửa đất đối không. Mục đích là cho phép phi công NGAD đóng vai trò là người điều khiển con rối, trong khi máy bay robot phải chịu mọi rủi ro.
Lực lượng Không quân sẽ chi 8,8 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian 5 năm để phát triển CCA, giải pháp này sẽ tiết kiệm chi phí hơn trong bối cảnh thiếu phi công. Điều này cho phép Không quân mua máy bay không người lái với số lượng lớn hơn, có thể lên tới 1.000 máy bay không người lái CCA. Lực lượng Không quân sẽ chọn ba công ty vào cuối năm nay để chế tạo và bay các nguyên mẫu, trong đó một hoặc hai công ty sẽ được lựa chọn vào danh sách cuối cùng để triển khai dự án.
| Mỹ phải cắt giảm đơn đặt chiến đấu cơ F-35 Hãng Reuters ngày 14/2 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn cắt giảm 18% số máy bay tiêm kích F-35 mà Lầu Năm Góc ... |
| Nhật Bản cho phép xuất khẩu máy bay chiến đấu tối tân: 3 điều cần biết Kế hoạch theo Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP) của Nhật Bản, Anh và Italy báo hiệu sự thay đổi then chốt ... |