Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Nguồn: AFP) |
Động thái này của Hy Lạp diễn ra trong bối cảnh có nhiều nguồn tin cho rằng, chủ nợ quốc tế này đang xem xét đến kịch bản Hy Lạp vỡ nợ. Tuy nhiên, Giám đốc IMF - bà Christine Lagarde đã bác bỏ thông tin này và cho biết các Bộ trưởng của Hy Lạp sẽ tiếp tục nỗ lực trong những ngày tới để thu hẹp những bất đồng về các mục tiêu ngân sách của đất nước và về mức trợ cấp đang hiện hành, cũng như việc xem xét lại mức thuế hiện nay.
Trong bài phát biểu trước các nghị sĩ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras khẳng định chắc chắn rằng khoản đáo hạn cuối cùng sẽ được thanh toán trước ngày 22/4 tới.
“Lần đầu tiên trong 6 năm qua chúng ta đã có một sự nhất trí gần như toàn diện xung quanh những đánh giá về nỗ lực tài chính cần thiết để giải quyết nợ nần giữa Chính phủ Hy Lạp và các thể chế châu Âu”, ông Alexis Tsipras nhấn mạnh.
Đồng thời, Thủ tướng Hy Lạp cũng quả quyết có “đầy đủ cơ sở” chứng minh cho quan điểm của mình và khẳng định các cuộc thảo luận sẽ hoàn tất chỉ trong vài ngày.
Trước khi có bài phát biểu này, ông Tsipras đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden.
Các cuộc đàm phán với chủ nợ được nối lại vài ngày sau khi Athens thể hiện sự giận dữ và đòi giải thích trước việc một báo cáo của WikiLeaks nói rằng, IMF đang trông chờ một “sự kiện” khủng hoảng để buộc quốc gia đang nợ nần này cùng các nhà đàm phán châu Âu phải chấp nhận các mục tiêu tài chính của mình.
Trước đó, trang mạng WikiLeaks đã đăng tải một tài liệu nghe lén được cho là của một cuộc thảo luận ngày 19/3 giữa Iva Petrova và Delia Velculescu, đại diện IMF tham gia đàm phán với Hy Lạp và Giám đốc IMF tại châu Âu Poul Thomsen.
Chính phủ cánh tả của ông Tsipras rất ít khi đồng thuận với chủ nợ quốc tế IMF. Năm ngoái, ông từng lên tiếng rằng thể chế cho vay có trụ sở tại Washington này phải chịu trách nhiệm trong việc gây ra sự suy thoái nặng nề do chính sách khắc khổ tại Hy Lạp. Mới đây, ông Tsipras đã ra cáo buộc IMF sử dụng “các chiến lược gây lung lay” và những đánh giá “tùy tiện” để trì hoãn những cân nhắc cải cách mang tính quyết định để thông qua khoản cứu trợ tiếp theo.
Ngày 4/4, ông Tsipras tiếp tục chỉ trích rằng IMF nhiều lần đưa ra những số liệu sai về tác động mà chính sách của quỹ gây ra đối với việc hạn chế tăng trưởng của Hy Lạp. Theo ông, “gần như mọi dự đoán của IMF hóa ra đều không thực tế” và chỉ ra những dự đoán suy thoái và tăng trưởng trong giai đoạn 2010-2013 là không xác thực.
Hồi tháng 7/2015, Hy Lạp miễn cưỡng chấp thuận gói cứu trợ 3 năm trị giá 86 tỷ Euro (94 tỷ USD) mà Liên minh châu Âu (EU) đưa ra để giữ Hy Lạp ở lại khu vực đồng chung châu Âu. Song gói cứu trợ được thực hiện với những điều kiện ngặt nghèo như cắt giảm thuế và tiền công.