📞

Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ: Căng thẳng tái diễn giữa hai cựu thù lịch sử

11:18 | 06/02/2017
Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đang đối đầu với nước đồng minh Hy Lạp, vốn trước đây là một cựu thù lịch sử.

Căng thẳng dồn dập

Trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân quan trọng về việc tăng quyền cho tổng thống, bất đồng trở lại này giữa hai nước đã kích động làn sóng chủ nghĩa dân tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc thúc đẩy mối quan hệ thực dụng hơn và bớt tập trung vào ý thức hệ với Athens được xem là một trong những thành tựu chính sách đối ngoại lớn của đảng cầm quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kể từ khi đảng này lên nắm quyền vào năm 2002. Tuy nhiên, căng thẳng do tranh chấp ở các đảo trên biển Aegean, các vụ vi phạm không phận và bất đồng về cách quản lý di sản thành Byzantine thời La Mã trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đã làm khơi lại những mâu thuẫn tôn giáo giữa hai đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ được hộ tống bởi lực lượng cảnh sát đặc biệt của Hy Lạp khi rời khỏi Tòa án tối cao Hy Lạp ở Athens. (Nguồn: AFP)

Việc tòa án Hy Lạp trong tháng 1 vừa qua từ chối dẫn độ 8 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành vụ đảo chính bất thành ngày 15/7/2016 đã khiến rạn nứt gia tăng. 8 binh sĩ này đã chạy trốn tới Hy Lạp trên chiếc trực thăng quân sự trong đêm đảo chính thất bại - hành động bị Thổ Nhĩ Kỳ cho là được lên kế hoạch bởi giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống ở Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik đã chỉ trích quyết định của tòa án Hy Lạp là “nỗi thất vọng hoàn toàn”.

Marc Pierini, học giả tại Viện Carnegie châu Âu, nhận định: “Bất kỳ quyết định nào của các đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến cuộc đảo chính bất thành vừa qua đều gây nhiều tranh cãi, ví dụ như việc dẫn độ ông Gulen từ Mỹ hay việc dẫn độ các binh sĩ từ Hy Lạp”.

Để đáp trả việc này, một tàu hải quân Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ đạo của tướng Hulusi Akar đã tiến gần hai đảo tranh chấp trên biển Aegean hôm 29/1, buộc Hy Lạp phải cử lực lượng theo sát các tàu Thổ Nhĩ Kỳ. Các đảo không người sinh sống này - được gọi là Kardak trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và Imia trong tiếng Hy Lạp - từ lâu là nguồn cơn gây căng thẳng.

Bất đồng về tranh chấp chủ quyền này nổi lên từ tháng 1/1996, khi hai nước điều động hải quân đến hai hòn đảo cạnh nhau, báo hiệu cuộc đối đầu quân sự sắp xảy ra. Hai bên đã rút quân sau sức ép ngoại giao lớn từ Mỹ, một đồng minh khác trong NATO. Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias đã đổ lỗi những căng thẳng này là do chính trường ở Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu với đài Alpha, ông Nikos Kotzias nói: “Nhiều khía cạnh trong chính sách đối ngoại không diễn ra như họ mong muốn và họ đang gặp phải các vấn đề nội tại nghiêm trọng”.

Không dẫn đến đối đầu quân sự

Dimitrios Triantaphyllou, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và châu Âu tại Đại học Kadir Has ở Istanbul, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp chưa bao giờ chính thức hóa quan hệ đối tác của họ hơn mức một cuộc đối thoại chính trị và những hy vọng thúc đẩy thương mại.

Ông Dimitrios Triantaphyllou nói: “Nếu không có khuôn khổ pháp lý và chính trị đằng sau quan hệ này… thì việc duy trì nguyên trạng sẽ vấp phải nhiều nguy cơ”. Ông lập luận rằng cuộc đối đầu này đang được Thổ Nhì Kỳ lợi dụng để thể hiện rằng “nếu họ muốn, họ có thể trả đũa”, liên quan đến mâu thuẫn về việc dẫn độ các binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ, vào thời điểm chính trường trong nước đang xáo trộn.  

Làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao ở Thổ Nhĩ Kỳ trước thềm các cuộc bầu cử, và người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 4 tới về việc tăng quyền lực cho Tổng thống Erdogan.

Tàu tuần tra Thổ Nhĩ Kỳ trên biển Aegean, ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP)

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều gia nhập NATO vào năm 1952 sau khi châu Âu và Mỹ tìm cách để đảm bảo họ không bao giờ chìm vào chiến tranh một lần nữa. Tuy nhiên, quan hệ hai nước vẫn đầy bất ổn, đặc biệt khi các lính nhảy dù Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược đảo Cyprus năm 1974 để phản ứng trước vụ đảo chính do Athens kích động nhằm tìm kiếm con đường thống nhất đảo Cyprus với Hy Lạp.

Những căng thẳng này đã được gạt sang một bên nhờ động thái ngoại giao hồi năm 1999, khi Hy Lạp phản ứng nhanh chóng trước trận động đất lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó cũng thay đổi và giúp đỡ nước làng giềng khi một cơn địa chấn khác nổ ra ở Athens một tháng sau đó.

Sự trỗi dậy của chính phủ gốc Hồi giáo của ông Erdogan, vốn là người tìm cách đưa Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi chủ nghĩa dân tộc thế tục của các chính quyền tiền nhiệm, đã giúp thúc đẩy quan hệ hai nước hơn nữa.

Mối quan hệ này không chỉ mang tầm quan trọng với hai nước mà theo các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, bất đồng mới này có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận giữa Ankara và Liên minh châu Âu (EU) về việc cắt giảm người tị nạn đổ về châu Âu. Hai bên cũng đang làm việc để chấm dứt tình trạng chia rẽ ở đảo Cyprus.

Tuy vậy, hai nước cũng nhấn mạnh rằng họ muốn duy trì mối quan hệ này và Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias bày tỏ hy vọng hai nước có thể “xuống giọng”. Ioannis Grigoriadis, Phó Giáo sư tại Đại học Bilkent ở Ankara, nói: “Tôi cho rằng không một bên nào muốn leo thang căng thẳng". Ông dự đoán bất đồng này sẽ “một lần nữa được gác lại”.

 

(theo AFP)