Phát biểu trước Quốc hội, lãnh đạo đảng Syriza nhắc lại rằng, đến nay, Hy Lạp đã đạt các mục tiêu mà chương trình trên đặt ra, và đạt tiến bộ, gần thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ kéo dài 8 năm qua. Ông đề nghị các chủ nợ quốc tế cũng phải thực hiện đầy đủ các cam kết của mình theo thỏa thuận đạt được hồi mùa Hè năm 2015.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Nguồn: Reuters) |
Thủ tướng Tsipras nhấn mạnh: "Hy Lạp sẽ kết thúc quá trình xem xét lần hai mà không luật hóa các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới sau năm 2018". Theo thỏa thuận, gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp sẽ kết thúc vào năm 2018 nhưng việc xem xét lại gói cứu trợ này đã liên tiếp bị hoãn lại vì Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn không tham gia với lý do lo ngại về khả năng gánh nợ của Hy Lạp.
Giới chức IMF kêu gọi áp dụng các biện pháp cải cách và thắt lưng buộc bụng hơn nữa song song với giảm nợ, để đảm bảo Hy Lạp đi đúng lộ trình thuế khóa sau năm 2018. Athens và các nhà tài trợ châu Âu phản đối ý tưởng này. Do đó, kết quả quá trình xem xét lần hai, được lên kế hoạch phải kết thúc vào năm 2016, vẫn bị tạm treo.
Chính phủ Hy Lạp muốn kết thúc quá trình này càng sớm càng tốt để đảm bảo rằng Hy Lạp được tham gia chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong vài tháng tới.
Hiện nợ công Hy Lạp là hơn 300 tỷ Euro, tương đương 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bất chấp 3 chương trình hỗ trợ tài chính liên tiếp của Liên minh châu Âu (EU) và IMF triển khai từ năm 2010.
Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp ngày càng phức tạp do Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và IMF vẫn đang tranh cãi về cách thức làm thế nào để thúc đẩy Athens thực thi những cải cách cứng rắn hơn nữa.