Cuối giờ chiều ngày 13/11, Văn phòng Thủ tướng Anh phát đi thông cáo báo chí chính thức về việc đã đạt được sự thống nhất kỹ thuật cho một bản dự thảo thỏa thuận Brexit sau hơn 2 năm.
Trong động thái mới nhất, Thủ tướng Anh Theresa May đã yêu cầu tổ chức họp nội các trong ngày 14/11 để thảo luận về dự thảo của thỏa thuận, được thông qua sau nhiều tháng đàm phán. Nếu được chính phủ Anh thông qua, dự thảo thỏa thuận này sẽ được trình lên Nghị viện Anh để phể chuẩn, chậm nhất là trước cuối năm nay.
Đa số nhận định nội dung thỏa thuận Brexit vừa đạt được xoay quanh ưu tiên giữ toàn bộ Vương quốc Anh ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu thêm một thời gian quá độ nữa, chứ không chỉ riêng Bắc Ireland thuộc Anh.
Khó chồng khó
Đây là sự kiện quan trọng đối với bà May trong thời điểm uy tín trên cương vị Thủ tướng của bà phụ thuộc rất nhiều vào thỏa thuận Brexit. Thế nhưng, trở ngại lớn nhất chờ đợi bà May phía trước là tìm cách thuyết phục các thành viên nội các chấp nhận dự thảo luật mới.
Thủ tướng Anh Theresa May đang gấp rút tìm cách thuyết phục các thành viên nội các chấp nhận dự thảo luật mới. (Nguồn: Getty Images) |
Ngay sau khi dự thảo thỏa thuận được công bố, kể cả phe đối lập cho đến những người từng ủng hộ bà May đều lên tiếng chỉ trích gay gắt. Trong đó những người dẫn đầu phong trào ủng hộ Brexit là cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và nghị sĩ đảng Bảo thủ Jacob Rees-Mogg cho rằng dự thảo thỏa thuận khiến nước Anh nằm dưới sự kiểm soát của EU.
Không ít nghị sĩ đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland, một trong số những đảng được xem có vai trò quan trọng từng ủng hộ bà May trong nhiều cuộc bỏ phiếu về Brexit cũng không giấu được sự thận trọng khi nói rằng, thỏa thuận này rất khó để được thông qua tại nội các Anh và Quốc hội. Thậm chí, trong trường hợp xấu nhất, sự quay lưng và nổi giận của nội các với bản thỏa thuận có thể đe dọa chiếc ghế Thủ tướng của bà May.
Ngay cả khi bà May được nội các ủng hộ và không yêu cầu bà phải từ chức hay có bất cứ nhượng bộ chính trị nào, Thủ tướng Anh vẫn phải đối mặt với nhiều trắc trở khi thúc đẩy thông qua dự thảo trong cuộc họp tại Nghị viện vào cuối tháng 11 – nơi bà May có quá nhiều người chống đối.
Dự trù được những khó khăn trước cuộc họp nội các Anh ngày 14/11, Thủ tướng Anh đã gặp từng thành viên nội các để trao đổi và gửi văn bản dự thảo để họ đọc trước. Trước đó, bà May thậm chí còn tiến hành một cuộc họp ngay trong đêm với các quan chức chủ chốt trong nội các Anh như Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt, Bộ trưởng Brexit Dominic Raab để đả thông tư tưởng, qua đó giúp bà có thêm sự ủng hộ.
Hoàn tất thủ tục
Song phải thừa nhận rằng việc London đạt được thỏa thuận về mặt kỹ thuật với EU là một thắng lợi quan trọng đối với Thủ tướng May, người đã vấp phải rất nhiều sự chỉ trích và chống đối về quyết tâm để Anh “ly hôn” EU. Bà May hy vọng đạt được thỏa thuận trong tuần này để kịp xúc tiến quá trình phê chuẩn chính thức văn kiện đúng vào thời điểm Anh rời EU vào cuối tháng 3 năm sau.
Trước đó, các cuộc đàm phán đã bế tắc trong việc thảo luận về đường biên giới giữa Anh với Ireland, quốc gia sẽ tiếp tục nằm trong EU và Bắc Ireland, khi khu vực này là một phần Vương quốc Anh nhưng phản đối Brexit. Các bên hiện không muốn áp đặt “biên giới cứng” với nhau, nhưng không thống nhất được những điều kiện cần thiết.
Mọi con mắt hiện giờ đều đổ dồn vào cuộc họp nội các Anh sắp diễn ra. Trong trường hợp các Bộ trưởng Anh đều bác bỏ, dự thảo sẽ phải quay trở lại bàn đàm phán và London có nguy cơ phải chia tay ngôi nhà chung châu Âu mà không mang theo bất cứ thỏa thuận nào trên các lĩnh vực quan trọng như thương mại, quy chế công dân EU tại Anh và công dân Anh tại EU.
Một khi dự thảo được thông qua, 27 Đại sứ EU sẽ nhóm họp ngay trong ngày 15/11 để đưa ra các bước đi tiếp theo và Thủ tướng May sẽ bắt đầu chiến dịch thuyết phục người dân Anh tán thành thỏa thuận Brexit, mở đầu bằng cuộc họp báo được phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Nếu mọi việc thuận lợi, các nhà lãnh đạo EU nhiều khả năng sẽ phê chuẩn thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra ở Brussels (Bỉ) vào cuối tháng này, hoàn tất “thỏa thuận ly hôn” và đưa ra tuyên bố về mối quan hệ thương mại hậu Brexit.
Nhưng sau tất cả, nhiều rào cản vẫn đang tồn tại cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận cuối cùng, đặc biệt là tại London, nơi các thành viên trong chính nội các và đảng của Thủ tướng Theresa May đang tranh cãi gay gắt về cách thức tiến hành “ly hôn” với EU.