Lá cờ của IAEA tại trụ sở cơ quan này ở Vienna, Áo, hồi năm 2023. (Nguồn: AP) |
Nghị quyết trên do nhóm E3 gồm Đức, Pháp và Anh đệ trình. Trên mạng xã hội X, Đại sứ Nga tại Vienna Mikhail Ulyanov viết: “Nghị quyết đã được Hội đồng Thống đốc IAEA thông qua với 20 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 12 phiếu trắng”.
Theo hãng tin AP, Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống, trong khi có một quốc gia không tham gia bỏ phiếu.
Đây là kiến nghị đầu tiên kể từ năm 2022 và được đưa ra trong bối cảnh có những lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran. Thời gian qua, các cường quốc phương Tây lo ngại Tehran có thể đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, song Iran kiên quyết phủ nhận.
Theo các nguồn tin, nghị quyết yêu cầu Tehran đưa ra “những lời giải thích đáng tin cậy về mặt kỹ thuật” cho sự xuất hiện của các hạt uranium được tìm thấy tại 2 địa điểm không được công bố ở Iran.
Nguồn tin nhấn mạnh: “Việc Iran tiếp tục không hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra kéo dài nhiều năm ‘có thể dẫn đến’ một đánh giá toàn diện”.
Văn bản trên cũng yêu cầu Iran phải “đảo ngược các quyết định liên quan thanh sát viên của IAEA” và “không chậm trễ” kết nối lại hệ thống camera được sử dụng để giám sát các hoạt động hạt nhân,
Ngoài ra, nghị quyết đề cập những “mối lo ngại” xoay quanh “các tuyên bố công khai gần đây được đưa ra ở Iran... liên quan khả năng kỹ thuật sản xuất vũ khí hạt nhân và những thay đổi có thể xảy ra đối với học thuyết hạt nhân của Iran”.
Phản ứng với động thái của IAEA, phái bộ Iran tại Liên hợp quốc cùng ngày ra tuyên bố nhấn mạnh: “Quyết định của các nước phương Tây là vội vàng và thiếu sáng suốt. Chắc chắn sẽ gây tác động bất lợi đến tiến trình tương tác ngoại giao và hợp tác mang tính xây dựng”.