Ở quốc gia Bắc Âu này, chỉ 5% thanh thiếu niên từ 14 - 16 tuổi uống rượu ít nhất 1 lần/tháng. Tương tự như vậy, chỉ có 3% thanh niên hút thuốc hằng ngày và 7% sử dụng cần sa ít nhất 1 lần/tháng.
Thành công của Iceland về việc giảm sử dụng chất gây nghiện trong giới trẻ. (Nguồn: BBC) |
Trong khi đó, theo UNICEF, tỷ lệ trung bình tương ứng của các nước châu Âu là 47%, 13% và 7%; và ở Mỹ Latin, 35% thanh niên từ 13 -15 tuổi uống rượu trong tháng qua và khoảng 17% hút thuốc hàng ngày.
Tuy nhiên, hơn 20 năm trước, Iceland đã từng một trong những quốc gia châu Âu với tỷ lệ nghiện rượu và thuốc lá rất cao trong giới trẻ. Để giải quyết tình trạng này, từ năm 1998, quốc gia Bắc Âu đã thực hiện chương trình vận động thanh niên nhằm giảm tỷ lệ nghiện ngập trong giới trẻ.
Nghiên cứu và khảo sát
Nghiên cứu thường xuyên về tập quán và mối quan tâm của thanh thiếu niên là những điểm chính trong Dự án của Thanh niên Iceland.
“Nếu là giám đốc của một công ty dược phẩm, bạn sẽ không đưa ra thị trường một loại thuốc giảm đau mới trước khi phải làm một cuộc điều tra sơ bộ… Điều đó xảy ra trong bất kỳ ngành nào, từ nông nghiệp tới cơ sở hạ tầng. Và tại sao lại không làm như thế đối với trẻ em?”, ông Jon Sígfusson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Xã hội thuộc Dự án của Thanh niên Iceland, chia sẻ.
Dự án Thanh niên Iceland đã mở cuộc điều tra, khảo sát trong thanh thiếu niên ở tất cả các trường học trong nước. Cứ 2 tháng một lần, những số liệu về quan hệ tình dục, mô hình tiêu thụ chất gây nghiện, đặc điểm gia đình, tần suất trốn học và các vấn đề tình cảm của trẻ vị thành niên được thu thập và báo cáo cho từng trường và phường để có hình thức và biện pháp xử lý.
Trách nhiệm của người lớn
Cha mẹ là một yếu tố phòng ngừa quan trọng đối với các con. (Nguồn: BBC) |
Sau khi thu thập đủ thông tin, các trường học, cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương cùng ngồi phân tích các báo cáo nhằm xác định những nguy cơ tiềm ẩn để chống lại nạn nghiện rượu và ma túy trong giới trẻ.
Tuy nhiên, theo ông Sigfússon, thay vì sử dụng cách tiếp cận truyền thống, Iceland đã quyết định đối diện với vấn đề một cách tích cực hơn: “Những người chịu trách nhiệm không phải là trẻ em mà là những người lớn. Chúng ta phải tạo ra một môi trường, nơi trẻ em cảm thấy thoải mái và chúng tự lựa chọn để lấp thời gian rỗi với những hoạt động tích cực. Điều này sẽ tạo cho chúng ít có khả năng sử dụng các chất gây nghiện”.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tăng cường tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và tăng thời gian ở với bố mẹ sẽ làm giảm nguy cơ uống rượu và tiêu thụ chất gây nghiện đối với trẻ em.
Hưởng ứng dự án của giới trẻ, Iceland đã tăng kinh phí cho các hoạt động của thanh thiếu niên trong lĩnh vực thể thao, âm nhạc, nhà hát và khiêu vũ. Đồng thời, từ năm 2002, Iceland đã cấm trẻ em dưới 12 tuổi ở ngoài đường phố một mình sau 8 giờ tối và thanh thiếu niên từ 13-16 tuổi sau 10 giờ tối.
Iceland tăng cường tài trợ cho các hoạt động thể thao của thanh thiếu niên để giảm tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng chất gây nghiện (Nguồn: BBC) |
Thành công ở Iceland dẫn đến việc tạo ra chương trình của Thanh niên châu Âu từ năm 2006 nhằm mở rộng phương pháp giáo dục thanh thiếu niên của nước Bắc Âu này. Tới nay, đã có hơn 30 thành phố châu Âu tham gia vào dự án trên, trong đó đáng chú ý nhất là thành phố Tarragona, Tây Ban Nha với hơn 2.500 thanh thiếu niên đã tự nguyện trả lời các câu hỏi khảo sát và tham gia chương trình loại bỏ rượu và chất gây nghiện từ năm 2015.