Nhỏ Bình thường Lớn

Iceland: Biểu tình rầm rộ phản đối chính phủ từ bỏ EU

Theo mạng Iceland on Review, ngày 15/3, khoảng 8.000 đã tuần hành tại thủ đô Reykjavik để phản đối quyết định từ bỏ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của chính phủ Iceland.
Quang cảnh cuộc biểu tình ở Reykjavik (Nguồn: Iceland on Review).

Cuộc biểu tình trên, do bốn đảng đối lập tổ chức, là cuộc biểu tình lớn nhất tại Iceland kể từ sau làn sóng biểu tình hồi năm 2008-2009, đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính.

Trước đó, ngày 12/3, chính phủ cánh hữu của Iceland đã rút đơn xin gia nhập EU mà không hỏi ý kiến Quốc hội. Bộ trưởng Ngoại giao Iceland Gunnar Bragi Sveinsson tuyên bố trong một thông cáo rằng đã trao đổi quyết định này với Latvia (hiện là Chủ tịch luân phiên của EU) và Latvia có trách nhiệm thông báo lại cho Ủy ban châu Âu (EC). Trên trang web của mình, ông Sveinsson cũng cho biết: “Ở ngoài EU có lợi hơn cho Iceland”.

Tuy nhiên, chính phủ Iceland cho biết họ muốn duy trì vị thế thành viên của nước này trong Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), bao gồm Iceland, Na Uy, Liechtenstein và 28 quốc gia EU. Thỏa thuận EEA cho phép Iceland cùng Na Uy, Liechtenstein có thể áp dụng các cơ chế và biện pháp của EU, ngoại trừ trong các lĩnh vực nông nghiệp, đánh bắt hải sản và tài chính – tiền tệ. Ba quốc gia không thuộc EU này cũng không có đại diện ở Nghị viện châu Âu.

Ngày 13/3, phe đối lập Iceland đã gửi một bức thư tới giới lãnh đạo EU, trong đó nói rằng nước này vẫn đang xem xét đàm phán gia nhập EU. Quốc hội Iceland cho biết, bức thư của chính phủ nước này sẽ không có giá trị vì nó chỉ đơn thuần dựa trên nghị quyết của Nội các mà không có sự chấp thuận chính thức của Quốc hội.

Người phát ngôn EC Maja Kocijanic ngày 13/3 đã phản hồi rằng cơ hội vẫn để ngỏ với Iceland. Bên cạnh đó, việc Iceland rút đơn gia nhập EU sẽ không làm ảnh hưởng đến việc nước này vẫn là “một đối tác quan trọng của EU”.

Theo báo Le Monde (Pháp), một trong những vấn đề khiến tiến trình gia nhập EU của Iceland kéo dài liên quan đến hạn ngạch đánh bắt hải sản. Làm sao giải quyết được bất đồng giữa Brussels và Reykjavik về vấn đề này, khi mà ngành đánh bắt hải sản được xem là trụ cột của nền kinh tế Iceland? Chủ đề gai góc này chưa từng được đề cập đến trên bàn đàm phán hồi tháng 6/2011 và tháng 1/2013.

Dù vậy, tiến trình hòa nhập EU của Iceland được cho là khá nhanh chóng, nếu so với Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ hay Bosnia. Thậm chí, EU dự kiến sẽ chính thức kết nạp Iceland trong một tương lai gần, sau khi kết nạp Croatia vào năm 2013. Hồ sơ của Iceland cũng được đánh giá là đơn giản và thuận lợi hơn, khi mà quốc đảo này vốn đã áp dụng 70% pháp luật của châu Âu. Tuy nhiên, dưới sự cầm quyền của đảng cánh hữu, làn sóng dân tộc chủ nghĩa đã trỗi dậy và sự hoài nghi đối với những lợi ích của việc gia nhập EU cứ lớn dần lên. Dự định từ bỏ đồng euro của Hy Lạp hay triển vọng về cuộc trưng cầu dân ý tại Anh để quyết định ở lại hay rời khỏi EU, là những nhân tố tác động đến chính quyền Iceland theo đuổi “chiến tranh cá thu” – bất đồng lớn nhất giữa Brussels và Reykjavik.

Q.C (tổng hợp)