Báo cáo do ILO, Tổ chức Walk Free Foundation và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thực hiện, nêu rõ năm 2016, thế giới có khoảng 40,3 triệu người là nô lệ của thời hiện đại.
Báo cáo ước tính khoảng 24,9 triệu người bị mắc kẹt trong những công việc ép buộc tại các nhà máy, công trường xây dựng, trang trại, hay lao động giúp việc và mại dâm; 15,4 triệu người bị ép buộc hôn nhân không mong muốn.
Trong đó, nô lệ là phụ nữ và các bé gái chiếm đến 3/4, và 1/4 là trẻ em. Số nạn nhân phổ biến tại các nước châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: CBN News) |
Theo báo cáo, hơn 1/3 số nạn nhân của những cuộc hôn nhân cưỡng bức đều dưới 18 tuổi, và gần nửa số nạn nhân này dưới 15 tuổi. Trong khi đó, ILO cũng công bố một báo cáo riêng cho thấy có tới 152 triệu trẻ em là nạn nhân của lao động cưỡng bức, chiếm gần 1/10 trẻ em trên toàn thế giới, và gần 1/2 các em phải tham gia vào những công việc nguy hiểm. Ngoài ra, hơn 2/3 số trẻ em này đang làm việc trong các trang trại hoặc các công ty gia đình, với 71% làm nghề nông.
Cũng theo báo cáo, 1/2 số lao động cưỡng bức là nạn nhân của nợ nần, họ buộc phải làm việc để trả nợ, trong khi đó, gần 4 triệu người lớn và 1 triệu trẻ em là nạn nhân bị cưỡng bức và xâm hại tình dục.
Đây là lần đầu tiên các tổ chức quốc tế cùng phối hợp để đưa ra đánh giá chung thực trạng nô lệ thời hiện đại trên toàn thế giới. Qua đó, ILO, Walk Free Foundation và IOM lên tiếng kêu gọi bảo vệ quyền lao động, cải thiện quản lý người di cư, và cần phải hành động để giải quyết căn nguyên vấn nạn nô lệ, cũng như xác định rõ danh tính nạn nhân.
Báo cáo nêu rõ: "Một số lượng lớn nô lệ hiện đại có thể bắt nguồn từ dòng người di cư, do đó cải thiện quản lý người di cư là vấn đề quan trọng sống còn để ngăn chặn lao động ép buộc và bảo vệ các nạn nhân".
Ngoài ra, báo cáo cho rằng phần lớn các lao động cưỡng bức hiện nay làm thường tồn tại trong nền kinh tế tư nhân, do đó cần phải có sự phối hợp trong cộng đồng doanh nghiệp để triệt tận gốc thực trạng lao động ép buộc trong các chuỗi cung ứng.
Báo cáo dựa trên số liệu nghiên cứu của ILO và Walk Free tại 48 quốc gia và kết quả phỏng vấn trên 71.000 người do IOM thực hiện.