📞

IMF: Mất nguồn cung năng lượng Nga, châu Âu cầm cự được 6 tháng... sau đó thì tùy mùa Đông

Chu Văn 13:45 | 23/04/2022
Phát biểu bên lề các hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), người đứng đầu bộ phận châu Âu của IMF Alfred Kammer, cho rằng, châu Âu có thể cầm cự trong 6 tháng nếu không có khí đốt Nga, nhưng những tác động kinh tế sau đó sẽ rất nghiêm trọng.
Châu Âu có thể cầm cự trong 6 tháng nếu không có khí đốt Nga, nhưng những tác động kinh tế sau đó sẽ nghiêm trọng. (Nguồn: Financial Times)

Châu Âu phải nhập khẩu của Nga để đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên. Đánh giá thiệt hại kinh tế nếu khu vực này mất nguồn cung từ Nga, nhà kinh tế của IMF Kammer cho rằng, trong 6 tháng đầu tiên, châu Âu có thể ứng phó bằng các nguồn cung thay thế và sử dụng khí đốt dự trữ.

Tuy nhiên, nếu khu vực này bị mất nguồn cung từ Nga cho đến mùa Đông và trong một giai đoạn dài hơn, những tác động đến nền kinh tế sẽ là đáng kể.

Các nước châu Âu đã cân nhắc việc cấm vận năng lượng của Nga, đáp trả chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine, trong khi Nga cũng dừng xuất khẩu để phản ứng trước các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính phủ nước này.

IMF dự báo tổng thiệt hại, nếu mất nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga đối với Liên minh châu Âu là 3% GDP, tùy thuộc vào sự khắc nghiệt của mùa Đông. Ông Kammer kêu gọi các giải pháp nhằm chuẩn bị cho khả năng đó.

Theo ông, không có một lựa chọn duy nhất mang lại hiệu quả cao mà cần có nhiều biện pháp nhỏ để đạt được tác động lớn, như tìm kiếm các nguồn cung thay thế như nhiều nước đã bắt đầu triển khai.

Ông Kammer hối thúc các nước trong khu vực thực hiện các biện pháp nhằm giảm nhẹ tác động, như giảm mức tiêu thụ để tăng cường dự trữ.

Trong khi đó, thị trường dầu mỏ cũng biến động bất nhất trong tuần giao dịch vừa qua do triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm và nguồn cung bị thắt chặt do xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn. Mặc dù việc Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga, động thái có thể khiến nguồn cung trở nên eo hẹp hơn, song giá dầu vẫn mất gần 5% trong tuần qua.

Thị trường năng lượng khởi đầu tuần mới với diễn biến khá tích cực, khi giá dầu tăng hơn 1% vào phiên 18/4 do tình trạng ngưng sản xuất ở Libya càng làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung toàn cầu vốn đã bị thắt chặt vì cuộc khủng hoảng Ukraine.

Giới quan sát cho rằng, dầu sẽ còn chứng kiến những đợt biến động giá mạnh vì sản lượng toàn cầu trong thời gian tới. Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích tại công ty môi giới OANDA (Mỹ), cho biết, với nguồn cung toàn cầu quá eo hẹp như hiện nay, một sự gián đoạn nhỏ nhất cũng có thể tác động lớn đến giá cả.

Giá dầu quay đầu giảm khoảng 5% ngay trong phiên giao dịch liền sau đó, do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ, sau khi IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cảnh báo lạm phát cao.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng gần 1 điểm phần trăm do căng thẳng Nga-Ukraine và cho biết lạm phát hiện là “mối đe dọa hiện hữu và rõ ràng” với nhiều nước.

Triển vọng u ám này đã làm gia tăng sức ép lên giá dầu, vốn đang chịu tác động từ đồng USD ở mức cao nhất trong hai năm. Đồng bạc xanh mạnh hơn làm cho hàng hóa được định giá bằng USD đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều này có thể làm giảm nhu cầu.

Đà giảm này diễn ra ngay cả khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, hạ sản lượng trong bối cảnh sản lượng của Nga bắt đầu giảm do các lệnh trừng phạt từ phương Tây. OPEC+ đã sản xuất dưới mức mục tiêu 1,45 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 3/2022, còn Nga sản xuất ít hơn 300.000 thùng/ngày so với mục tiêu, ở mức 10,018 triệu thùng/ngày.

Giá dầu tiếp tục trồi sụt trái chiều trong phiên 20/4 trước khi tăng trở lại vào phiên 21/4, do quan ngại về gián đoạn nguồn cung dầu mỏ.

Thị trường bán ra không nhiều dầu mỏ sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, EU cần phải thận trọng về lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu năng lượng của Nga vì động thái đó có thể khiến giá dầu tăng đột biến.

Tháng trước, giá dầu Brent kỳ hạn đã chạm mức 139 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, cả 2 hợp đồng dầu đều mất gần 5% trong tuần này, do lo ngại về nhu cầu suy yếu. IMF có thể tiếp tục hạ dự báo kinh tế toàn cầu nếu các nước châu Âu mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Nga và giá năng lượng tăng cao hơn.

(theo AFP)