📞

Indonesia: Khói bụi đe dọa phát triển bền vững

15:00 | 04/04/2017
Những năm gần đây, tình trạng cháy rừng diễn ra vào mùa khô hàng năm tại Indonesia đã làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe cũng như tiềm năng phát triển du lịch của người dân đất nước vạn đảo. 

Đón đầu mùa khô năm 2017

Khói mù cũng lan sang cả các nước láng giềng của Indonesia, gây quan ngại đối với các quốc gia lân cận. Những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Jokowi (Indonesia) thời gian qua nhằm ngăn ngừa các vụ hỏa hoạn là một trong những lý do giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí do khói bụi. Tháng 12/2016, Tổng thống Jokowi đã ký một đạo luật cấm ngành chăn nuôi sử dụng đất than bùn trên khắp cả nước.

Đường phố Indonesia chìm trong khói mù. (Nguồn: Reuters)

Để hạn chế nạn cháy rừng trong mùa khô năm nay, cơ quan phục hồi đất bạc màu của Indonesia (BRG) đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ phòng chống cháy rừng ở cấp tỉnh và huyện. Chính phủ còn thực hiện chương trình phát triển kinh tế dựa trên hoạt động trồng cây công nghiệp và hỗ trợ để đảm bảo người dân có ý thức trong việc bảo vệ và trồng rừng. Chính quyền không chỉ thực hiện việc giao khoán diện tích đất rừng đến mỗi người dân mà còn định hướng chuỗi giá trị của các sản phẩm nông lâm nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững hơn. 

Hiện tượng cháy rừng không chỉ do thời tiết hạn hán mà còn do hoạt động canh tác thô sơ. Nguyên nhân là người dân thường đốt nương rẫy để bắt đầu một mùa vụ mới vì không có điều kiện tiếp cận các loại máy móc hiện đại. Vì thế, chính phủ cần xem xét cấp vốn để họ có điều kiện canh tác với năng suất cao hơn, đồng thời giảm thiểu tình trạng đốt nương rẫy. 

Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết (mưa nhiều) cũng đóng vai trò quan trọng ngăn chặn cháy rừng. Tuy nhiên, tình trạng thời tiết mưa nhiều không thể kéo dài lâu. Năm nay, các chuyên gia dự đoán thời tiết khô hơn bình thường và hiện tượng El Nino sẽ diễn ra vào đầu tháng 7. Theo đó, cháy rừng có nguy cơ trở lại và sẽ lan ra khắp các khu rừng trồng cọ cũng như rừng nguyên sinh của Indonesia, gây ra những đám khói bụi dày đặc. 

Trên thực tế, ngoài những nguyên nhân kể trên, các nông trường cũng đang phải đối mặt với cáo buộc về những hành vi vi phạm. Một số công ty của Indonesia tiếp tục bị các quan chức Singapore cảnh báo về những vụ hỏa hoạn xảy ra từ năm 2015.

Đẩy mạnh các quy tắc tài chính

Các quy tắc về tài chính dường như đã có tác dụng ngăn chặn phần nào việc các doanh nghiệp đốt phá rừng. Các doanh nghiệp trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp đã phải đối mặt với áp lực đáng kể để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thân thiện với môi trường hơn.

Hiện nay, chính phủ Indonesia cũng đang tích cực áp dụng kiểm tra, giám sát các hành động đốt phá rừng của các doanh nghiệp cũng như người dân địa phương. Các ngân hàng và các nhà đầu tư đang ngày càng lồng ghép các cân nhắc về môi trường, xã hội và quản trị đối với các doanh nghiệp, đưa ra các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường để làm điều kiện cho vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. 

Cháy rừng đang đe dọa tới sự phát triển bền vững của quốc gia vạn đảo. (Nguồn: AP)

Năm 2016, Tổ công tác về Thông tin Tài chính liên quan đến Khí hậu (TCFD) đã đưa ra một loạt khuyến nghị cho việc thông tin liên quan đến bảo vệ môi trường một cách tự nguyện và nhất quán, qua đó giúp các công ty đảm bảo đủ các điều kiện để có thể tiếp cận nguồn vốn vay từ các nhà đầu tư.

Tương tự, ngày càng có nhiều công ty trong ngành nông lâm nghiệp tập trung vào "khả năng truy tìm nguồn gốc" để họ có thể chứng minh được nguồn gốc sản phẩm của họ, từ đó khuyến khích người nông dân sử dụng các biện pháp canh tác bền vững, bảo vệ môi trường nhiều hơn.

Các máy bay không người lái được sử dụng nhiều hơn để lập bản đồ và giám sát việc sử dụng đất cũng như hỗ trợ tăng năng suất cây trồng, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, các ứng dụng di động được sử dụng để thu thập dữ liệu của nông dân và cho phép những người trồng trọt quy mô nhỏ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn về việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu một cách hợp lý hơn. 

Để giúp tăng cường tính minh bạch và áp dụng các phương pháp hiệu quả nhất phòng chống cháy rừng, tổ chức phi chính phủ và các viện nghiên cứu có thể đóng một vai trò quan trọng. Việc đối thoại giữa các ngành rất quan trọng trong thời gian thay đổi chính sách và các ưu tiên trong phát triển của mỗi ngành.

Vì vậy, chính phủ, những doanh nghiệp lớn và các khách hàng quan trọng cũng như các nhà cung cấp tài chính của họ cần phải ngồi lại bàn bạc với nhau để có quan điểm thống nhất đối với chương trình phát triển nông thôn bền vững. 

Song song với đó, cũng cần phải xác định những thiếu sót trong chuỗi giá trị để những người trồng trọt quy mô nhỏ có thể tham gia và hợp tác nhằm tiến tới sự bền vững, không nên để cho họ không có điều kiện để tiếp cận vào chuỗi giá trị này. Đạt được chuỗi giá trị bền vững không phải là trách nhiệm duy nhất của bất kỳ bên liên quan nào.

Thay vào đó, một nỗ lực hợp tác và hợp tác dựa trên việc tiếp cận thông tin có chất lượng là cần thiết để ngăn chặn sự trở lại của các đám cháy rừng gây ra khói bụi vốn đã trầm trọng trong nhiều năm qua, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, ngành du lịch cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường… mà các quốc gia lân cận sẽ phải mất nhiều thời gian để khắc phục. 

(theo Jakarta Post)