📞

Indonesia và AEC: Quan hệ tương hỗ

09:00 | 22/07/2016
Indonesia là một trong những nền kinh tế thị trường mới nổi triển vọng nhất hiện nay và luôn là nhân tố trung tâm của ASEAN. Mặc dù vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, nhưng Indonesia vẫn tự tin tiếp tục “tỏa sáng” trong AEC và khu vực.

Tiếp đà tăng trưởng

Kinh tế Indonesia được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng khá trong năm nay. Năm 2015, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đạt tốc độ tăng trưởng 4,8%. Trong báo cáo về tổng quan tình hình thế giới tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng của Indonesia sẽ tăng nhẹ, đạt 4,9% và 5,3% lần lượt trong hai năm 2016 và 2017. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là tốc độ tăng trưởng cao nhất của Indonesia kể từ năm 2013.

Để tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển lên một tầm cao mới, Indonesia cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia được dự đoán sẽ cao hơn mức trung bình của 5 nền kinh tế lớn trong ASEAN. Ngân hàng Nova Scotia, một trong những công ty dịch vụ tài chính lớn nhất Canada cho rằng, kinh tế Indonesia thậm chí sẽ còn tăng trưởng nhanh hơn trong năm tài khóa tiếp theo. Trong ấn bản gần đây của mình, Nova Scotia nhận định, "mức tăng GDP thực tế của Indonesia sẽ khoảng 5,2%/năm trong năm 2016-2017".

Cũng như các nền kinh tế mới nổi khác, Indonesia chịu tác động nặng nề từ việc giá hàng hóa sụt giảm. Trong quý II năm 2015, tốc độ tăng trưởng của Indonesia ở mức thấp nhất trong 6 năm qua buộc chính phủ nước này phải trì hoãn các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết trong nước.

Ngành khai mỏ vốn luôn được nước này bảo hộ chặt chẽ cũng phải gánh chịu tác động nặng nề. Năm ngoái, lượng tiêu thụ và đầu tư của ngành này giảm mạnh trong khi chính phủ gặp khó khăn trong việc thu hồi lãi.

Để giải quyết những khó khăn và thách thức kinh tế trong nước, ngân hàng Indonesia đã phải điều chỉnh đáng kể chính sách tiền tệ. Từ tháng 1/2016, ngân hàng trung ương đã hạ 75 điểm phần trăm trong mức lãi suất cơ bản. Theo các nhà phân tích, Ngân hàng trung ương Indonesia có khả năng sẽ can thiệp vào chính sách tiền tệ nhiều hơn nữa trong những tháng tới để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Với các điều kiện kinh doanh được cải thiện, Indonesia đang ngày càng được lợi từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là từ Trung Quốc. Theo Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Indonesia, ông Steven R. Tabor "các nhà đầu tư nước ngoài chưa bao giờ quan tâm đến Indonesia như hiện nay". Theo Ngân hàng phát triển Singapore (DBS), việc dòng đầu tư FDI vào Indonesia và sức tiêu dùng nội địa ngày càng tăng đã đẩy tốc độ tăng trưởng của Indonesia về lại mức trên 5% trong quý đầu năm 2016. Trong năm 2016, thị trường chứng khoán Indonesia sáng sủa hơn hầu hết các thị trường khác. Theo Bloomberg, từ đầu năm tới nay, chỉ số Jakarta Stock Exchange Composite đã tăng 5,4%. 

Cơ hội cho phát triển kinh tế

Việc các nước thành viên ASEAN cùng nhau xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã tạo nên một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Á với tổng GDP khoảng 2.000 tỷ USD và thị trường tiêu thụ hơn 600 triệu dân.

Là nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á, Indonesia có thể hưởng lợi từ các hoạt động thương mại tự do hơn trong AEC. Ngành cơ khí máy móc của Indonesia có thể lắp ráp ô tô con trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Các nhà sản xuất xe cộ Nhật Bản đang ngày càng quan tâm tới thị trường Indonesia, nhất là khi nhu cầu về xe ô tô con, xe tải và xe máy vẫn còn rất cao. Dân số trẻ và giá thành lao động rẻ đã biến Indonesia thành điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài, như Tập đoàn Công nghệ Foxconn (sản xuất iPhone và iPad cho Apple)...

Tuy nhiên, với 250 triệu dân, Indonesia còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức để vươn lên trở thành một nước phát triển. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp Indonesia là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới dựa trên sức mua. Tuy nhiên, các dữ liệu của WB cho thấy nghèo đói vẫn là một vấn đề nan giải của Indonesia khi một tỉ lệ lớn dân số vẫn có mức thu nhập thấp hơn 2 USD/ngày. Ngày càng có nhiều người Indonesia có mức thu nhập trung bình khi người dân chuyển từ các vùng nông thôn lên thành thị, bỏ lại nghề nông và tham gia vào các nhà máy hoặc khu vực dịch vụ.

Chủ tịch Nhóm tư vấn Boston, ông Hans-Paul Buerkner, chia sẻ "các nước ASEAN xây dựng một thị trường 600 triệu dân để phát triển kinh tế cho cả khu vực là rất tốt. Indonesia chiếm tới gần nửa khu vực nên đóng vai trò hết sức quan trọng. Khi các nước càng mở, khu vực càng mở thì mọi người sẽ càng được hưởng nhiều lợi ích.

Ông Buerkner nhắc đến kinh nghiệm của châu Âu. Trước khi Liên minh châu Âu (EU) ra đời, các nước châu Âu cũng xảy ra tình trạng cạnh tranh lẫn nhau hơn là hợp tác. Điều này cũng đúng với AEC khi Cộng đồng này đang cố gắng đạt được sự thống nhất và thu hút đầu tư.

Ông cho biết, "có rất nhiều nước đang đến đầu tư ở Indonesia. Các công ty Nhật Bản đang rất quan tâm đến thị trường Indonesia, không chỉ để bán hàng hóa ở đây mà còn nhập khẩu hàng hóa từ Indonesia. Nếu như trước đây các nước trong khu vực cạnh tranh lẫn nhau, thì bây giờ các bạn đã có thị trường rộng lớn hơn". Ông cũng nhấn mạnh, không phải mọi công ty đều dừng chân ở Indonesia vì một số công ty sẽ đầu tư ở Việt Nam hay Myanmar. "Nhưng Indonesia sẽ luôn là nhân tố trung tâm của ASEAN" ông nói.

Indonesia là một trong những nền kinh tế thị trường mới nổi triển vọng nhất hiện nay. Có được thành công này là nhờ Indonesia đã làm tốt công tác quản lý kinh tế và có những cải cách kịp thời. Đồng thời, Indonesia cũng được đánh giá cao trong việc đối mặt với các thách thức từ môi trường bên ngoài.

Để tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển lên tầm cao mới, Indonesia cần tăng cường đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và tìm kiếm nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Indonesia cần đẩy mạnh và thậm chí mở rộng những cải cách đang tiến hành để phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường môi trường kinh doanh, mở cửa cho trao đổi thương mại.

Đồng thời, là nền kinh tế và thị trường lớn nhất trong AEC, Indonesia có vai trò hết sức quan trọng và quan hệ mật thiết với AEC. Do vậy, Indonesia được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tích cực và chủ động hơn nữa trong các hoạt động của AEC.