📞

Indonesia và “gót chân Asin” của luật chống khủng bố

09:00 | 22/01/2016
Chuỗi các vụ tấn công liên quan tới Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Thủ đô Jakarta ngày 14/1 đã tạo áp lực lên Tổng thống Indonesia Jokowi.
Cảnh sát chống khủng bố Indonesia tuần tra ở Jakarta.

Trên thực tế, Tổng thống Jokowi đã kêu gọi một cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố nhưng dường như ông không có ý định tăng quyền lực cho quân đội và điều chỉnh luật chống khủng bố để giải quyết mối đe dọa như nhiều quan chức nước này mong muốn.

Khác với một số nước đang phải đối mặt với mối đe dọa từ IS, hệ thống pháp luật Indonesia chưa cho phép lực lượng chức năng có thể bắt giữ những người dân nước này trở về nước từ Syria hay Iraq. Hơn nữa, quân đội, cảnh sát Indonesia có quyền lực tương đối hạn chế.

Cảnh sát trưởng Cảnh sát quốc gia Indonesia, Tướng Badrodin Haiti cho biết ông mong muốn lực lượng cảnh sát có tư cách hủy bỏ quyền công dân của người Indonesia tham gia chiến đấu cho IS ở nước ngoài. Để làm được điều này, luật chống khủng bố cần phải được tăng cường, cho phép cảnh sát giam giữ đối tượng tình nghi. “Chúng tôi có thể phát hiện mạng lưới khủng bố nhưng không thể hành động trước khi chúng phạm tội”, ông chia sẻ.

Có lẽ, đó chính là “gót chân Asin” của luật pháp quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Sutiyoso ủng hộ việc Indonesia tăng cường luật khủng bố. Ông đưa ra lập luận rằng chính quyền Malaysia có thể gắn các thiết bị theo dõi điện tử để điều tra nghi phạm  hay chính quyền Mỹ, Pháp có thể phá vỡ nguyên tắc nhân quyền khi cần thiết phải hành động với các đối tượng tình nghi. Ông Sutiyoso cho rằng họ tôn trọng nhân quyền và tự do nhưng khi an ninh quốc gia bị đe dọa bởi chủ nghĩa khủng bố thì họ ưu tiên các biện pháp tình báo, điều tra nhằm đảm bảo an ninh của đất nước. Indonesia cũng cần phải như vậy.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 10/2014, ông Jokowi dường như bị “mắc kẹt” vào một số cam kết liên quan tới vấn đề kinh tế, sức khỏe và việc làm. Song có lẽ tiếng nổ của những quả bom chỉ cách văn phòng Tổng thống 2km sẽ phần nào thay đổi hướng tập trung của ông Jokowi thời gian tới. Nếu ông  trao quyền hạn lớn hơn cho quân đội thì lực lượng này có thể sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn những phần tử có quan điểm cực đoan, đồng thời tăng cường phạm vi hoạt động trong xã hội dân sự.

Tuy nhiên, theo ông Ansyaad Mbai, cựu Giám đốc lực lượng cảnh sát chống khủng bố của Indonesia, việc tăng cường luật chống khủng bố cũng như quyền của lực lượng quân đội, cảnh sát là tương đối khó khăn ở thời điểm hiện tại. Nguyên nhân là ở một đất nước đạo Hồi, người dân luôn sợ bị buộc tội chống Hồi giáo. Hơn nữa, việc sửa đổi luật cần được Quốc hội thông qua nhưng chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của các đảng Hồi giáo.

Trước mắt, chính quyền Indonesia cần phải tìm cách kiểm soát những người trở về từ Iraq hay Syria; ngăn chặn các phần tử cực đoan đến với những vùng đất mà IS đang hoạt động mạnh và đặc biệt ngăn chặn việc IS tuyển mộ thành viên thông qua Internet.

(tổng hợp)