Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp kiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 20/7. (Nguồn: Phủ Tổng thống Indonesia) |
Phục hồi nhanh hơn, Vươn lên mạnh hơn
Đối với người Indonesia, tháng 8 luôn là tháng đặc biệt, tháng đánh dấu Ngày Độc lập của chúng tôi. Ngày 17/8/1945, người Indonesia đã tuyên bố các quyền và sự tự do của chính dân tộc mình. Chúng tôi đã giành được độc lập của mình và bảo vệ nó bằng một tinh thần chiến đấu vì chính nghĩa, bằng máu, mồ hôi và cả nước mắt.
Tinh thần chiến đấu này đã truyền cảm hứng cho hành trình của dân tộc chúng tôi trong 77 năm qua và ngày nay, tinh thần này đang càng trở nên mạnh mẽ hơn. Trong mọi khó khăn, bao gồm cả đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ, người dân Indonesia đã đoàn kết, nỗ lực để tiến lên và đảm bảo cho sự thịnh vượng của mình.
Chủ đề của lễ kỷ niệm năm nay là Pulih Lebih Cepat, Bangkit Lebih Kuat (Phục hồi nhanh hơn, Vươn lên mạnh hơn). Chủ đề này cũng phản ánh tinh thần "Cùng nhau phục hồi, Phục hồi mạnh mẽ hơn" mà Indonesia đã lựa chọn cho nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của mình.
Giờ đây, tất cả chúng ta đang ở vào một thời điểm có vô số thách thức. Trong khi chúng ta vẫn chưa thể phục hồi sau đại dịch, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức đa chiều với sự cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa các cường quốc, các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, và các cuộc xung đột đang diễn ra ở một số nơi trên thế giới.
Những điều này chắc chắn sẽ tác động đến nhân loại và gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính.
Đó là lý do tại sao mọi quốc gia phải ngay lập tức hợp tác với nhau để ngăn những cuộc khủng hoảng này trở nên tồi tệ hơn. Quan hệ đối tác phải được tăng cường, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Hòa bình và ổn định là rất quan trọng đối với sự phục hồi toàn cầu. Chỉ bằng cách làm việc cùng nhau, chúng ta mới có thể đối mặt với những thách thức trong tương lai và xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng và an toàn cho thế hệ tương lai của chúng ta.
Khi đại dịch Covid-19 tàn phá cuộc sống của chúng ta, mọi quốc gia ngay lập tức cùng nhau hợp tác tìm giải pháp, cứu lấy tính mạng của người dân và cứu lấy nền kinh tế. Kết quả là, chúng ta đã đưa ra một giải pháp: vaccine.
Tôi hy vọng tinh thần chung tay chống lại Covid-19 cũng khuyến khích các quốc gia trên toàn thế giới hợp tác cùng nhau và tìm ra giải pháp hòa bình cho mọi sự khác biệt, vì bất kỳ tác động tiêu cực nào đến nhân loại đều tồi tệ hoặc thậm chí là khủng khiếp.
Quan hệ đối tác Indonesia-Việt Nam
Đối tác bình đẳng là trọng tâm trong quan hệ của Indonesia và Việt Nam suốt 67 năm qua. Được các nhà khai quốc của chúng ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno đặt nên nền tảng, mối quan hệ lâu dài đã được nuôi dưỡng và mở rộng vì sự tiến bộ của hai đất nước, sự thịnh vượng của nhân dân cũng như hòa bình và thịnh vượng của khu vực.
Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thăm chính thức Indonesia, đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban Hợp tác song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi. Hai Bộ trưởng đã thảo luận về tiến triển trong quan hệ hai bên, những vấn đề đang chờ giải quyết, đồng thời tìm hiểu các cơ hội hợp tác mới.
Hai Bộ trưởng hài lòng với tổng kim ngạch thương mại năm 2021 đạt 11,5 tỷ USD, vượt mục tiêu 10 tỷ USD đề ra. Về vấn đề này, hai bên hoan nghênh mục tiêu thương mại song phương mới đề ra là đạt 15 tỷ USD vào năm 2028.
Kế hoạch Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược 2019-2023 đã thúc đẩy hiệu quả quan hệ Indonesia-Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Do đó, cả hai Bộ trưởng nhất trí xúc tiến việc hoàn tất Kế hoạch Hành động 2024-2028, đóng vai trò là kim chỉ nam cho quan hệ đối tác của hai nước trong tương lai.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và toàn cầu phức tạp, tăng cường hợp tác để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm vì lợi ích của nhân dân và hơn thế nữa chính là quan tâm lớn nhất của chúng ta.
Là hai nước đang phát triển với thế hệ trẻ khá lớn - chiếm hơn 50% dân số - Indonesia và Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành những quốc gia tiên tiến với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tài sản này, kết hợp với tầm nhìn dài hạn trong thúc đẩy nghiên cứu, công nghệ và đổi mới sẽ góp phần vào năng lực cạnh tranh về kinh tế của hai nước trên thế giới, nhờ cả vào sự tiến bộ của ngành công nghệ cao của hai nước. Vì vậy, tôi cam kết làm cầu nối cho lực lượng dân số trẻ của Indonesia và Việt Nam hợp tác trong các lĩnh vực này.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi. (Nguồn: ĐSQ Indonesia tại Việt Nam) |
Một lĩnh vực tiềm năng khác mà tôi tin rằng sẽ tạo ra nhiều lợi ích cụ thể hơn là lĩnh vực hàng hải: phát triển ngành thủy sản của chúng ta. Với tầm nhìn trở thành các quốc gia mạnh và thịnh vượng dựa vào biển, Indonesia và Việt Nam phải hội nhập sâu hơn nữa, như một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu của nền kinh tế hàng hải, để chúng ta có thể trở thành những nhà cung cấp sản phẩm thủy sản hàng đầu cho thế giới.
Hợp tác tại các diễn đàn khu vực và đa phương cũng là điểm nổi bật trong quan hệ song phương của chúng ta. Trong cuộc tiếp kiến Tổng thống Joko Widodo của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vào tháng trước, Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò Chủ tịch G20 của Indonesia năm nay và Chủ tịch ASEAN năm 2023. Tổng thống Joko Widodo đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu này.
Indonesia là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ Việt Nam gia nhập ASEAN cách đây 27 năm. Kể từ đó, chúng ta đã làm việc cùng nhau để xây dựng một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng, dựa trên quy tắc lấy con người làm trung tâm.
Là một trong những quốc gia quan trọng nhất của Đông Nam Á, Việt Nam đóng một vai trò thiết yếu trong khu vực. Chúng ta tin rằng quan hệ đối tác bền chặt hơn giữa hai nước sẽ đóng góp vào sự phát triển của khu vực.
Tại lễ kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN (1967-2022), Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi đánh giá “ASEAN là điều tuyệt vời nhất trong khu vực của chúng ta”. Tôi cũng đồng ý điều này và muốn lưu ý rằng, một trong những thành tựu đáng chú ý nhất của ASEAN là giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực.
Thành công này cũng đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của khu vực. Là nền kinh tế lớn thứ năm, ASEAN là đầu tàu tăng trưởng của khu vực và thế giới. Hơn nữa, RCEP, hiệp định thương mại tự do toàn diện nhất trên thế giới, có hiệu lực vào tháng 1 năm ngoái, sẽ thúc đẩy các nỗ lực phục hồi sau đại dịch.
Kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN diễn ra trong bối cảnh có nhiều xáo trộn, dù là bên ngoài hay bên trong. ASEAN đang bị thách thức trong việc đóng góp nhiều hơn cho khu vực và thế giới trong bối cảnh các cường quốc cạnh tranh và khủng hoảng toàn cầu cũng như tìm ra giải pháp vì một trong những thành viên gia đình của ASEAN, Myanmar, hiện đang rơi vào khủng hoảng.
Trong biến động này, ASEAN cần củng cố sự thống nhất và củng cố vai trò trung tâm của mình thông qua Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), đề cao các nguyên tắc gìn giữ hòa bình, thúc đẩy văn hóa đối thoại và tăng cường hợp tác. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần khuyến khích tất cả các Đối tác đối thoại tập trung vào việc thực hiện AOIP một cách cụ thể.
Để hóa giải các thách thức hiện tại và tương lai, Indonesia hy vọng sẽ sát cánh cùng Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác để giữ ASEAN ở vị trí chủ đạo trong việc định hình trật tự khu vực. Chúng ta có trách nhiệm nâng tầm ASEAN bằng cách tiếp tục đổi mới và không chỉ tuân theo cách tiếp cận làm việc thông thường. Chỉ khi đó, ASEAN mới có thể phù hợp hơn và có thể duy trì sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.