Hình ảnh tại Lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Indonesia ngày 17/8/2020. (Nguồn: ĐSQ Indonesia tại Việt Nam) |
Nhiệm vụ của tôi với tư cách là Đại sứ Indonesia tại Việt Nam được bắt đầu vào tháng 2/2016. Không bao lâu, tôi đã bước vào năm cuối trong nhiệm kỳ của mình tại một đất nước xinh đẹp và mang đến nhiều ấn tượng sâu sắc. Trong thời gian sống và làm việc tại Việt Nam, tôi đã chứng kiến đất nước của Bác Hồ phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trên trường khu vực và quốc tế.
Nhiệm kỳ của tôi tại Việt Nam có thể nói là một trong những thời kỳ quan trọng trong quan hệ ngoại giao hai nước mà trong năm 2020 này bước sang năm thứ 65. Năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của tôi tại Việt Nam càng đặc biệt hơn với việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm được kỳ vọng là động lực để nâng cao và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược của hai nước trên các lĩnh vực.
Indonesia và Việt Nam nhất trí đưa quan hệ song phương lên tầm cao nhất là Đối tác chiến lược vào năm 2013. Kể từ đó, hợp tác giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng dựa trên Kế hoạch hành động để triển khai hợp tác đối tác chiến lược 2014-2018. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới Việt Nam từ ngày 11-12/9/2018, Kế hoạch hành động để triển khai hợp tác đối tác chiến lược giai đoạn 2019-2023 đã được ký kết, trong đó phạm vi hợp tác rộng hơn và chuyên sâu bao gồm hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, hàng hải, thương mại, kinh tế sáng tạo, đầu tư, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, du lịch, giao thông vận tải, năng lượng, giáo dục và các hợp tác khác.
Trong thời gian sống và làm việc tại Việt Nam, tôi đã chứng kiến đất nước của Bác Hồ phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trên trường khu vực và quốc tế. |
Các chuyến thăm của các quan chức cấp cao, bắt đầu từ chuyến thăm lịch sử của hai nhà lập quốc là Tổng thống Sukarno và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1959, cho đến chuyến thăm chính thức lần đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Indonesia vào tháng 8/2017, và chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Joko Widodo vào tháng 9/2018 là bằng chứng cho thấy mối quan hệ hữu nghị sâu sắc giữa hai nước. Điều này cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của hai nước trong việc thúc đẩy và phát triển quan hệ hợp tác song phương cùng có lợi.
Ngoài ra, các cuộc thảo luận và tăng cường hợp tác giữa hai nước cũng được thực hiện thông qua nhiều cơ chế tham vấn song phương, như Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương (JCBC), Đối thoại hoạch định chính sách, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật (JC ESTC), Đối thoại chính sách quốc phòng, Tọa đàm giữa Hải quân với Hải quân, cũng như Đối thoại thường niên giữa Cảnh sát Quốc gia Indonesia và Bộ Công an Việt Nam.
Indonesia và Việt Nam cũng tiếp tục hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và đa phương, trong đó có Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nơi mà Indonesia là thành viên không thường trực của nhiệm kỳ 2019-2020 và Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việt Nam cũng ủng hộ Indonesia ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ quốc nhiệm kỳ 2020-2022 và Hội đồng Kinh tế - Xã hội LHQ (ECOSOC) nhiệm kỳ 2021-2023.
Cùng với quan hệ hai nước ngày càng nâng cao trong lĩnh vực chính trị, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và quân sự cũng có xu hướng tích cực. Điều này được đánh dấu bằng việc ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng và các hoạt động liên quan và Tuyên bố tầm nhìn chung giữa Bộ Quốc phòng Indonesia và Bộ Quốc phòng Việt Nam về Hợp tác hoạt động quốc phòng giai đoạn 2017-2022 vào năm 2017. Ngoài ra, Indonesia và Việt Nam cũng đã tổ chức Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 23-26/6/2019.
Về góc độ kinh tế, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Indonesia. Hai nước đều là những nước phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao. Kim ngạch thương mại song phương trong ba năm gần đây có xu hướng tích cực và phản ánh nỗ lực chung của hai nước. Với hiện trạng này, mốc kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 không phải là một mục tiêu mơ hồ. Cho dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến động lực đã được xây dựng trước đó, tôi tin chắc rằng Indonesia và Việt Nam sẽ sớm vươn lên và phục hồi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới thăm gian hàng của Indonesia tại Hội chợ Du lịch Quốc tế năm 2018 tại Việt Nam. (Nguồn: ĐSQ Indonesia tại Việt Nam) |
Là quốc gia đông dân thứ ba trong ASEAN với dân số hơn 96 triệu người, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm và hàng hóa của Indonesia. Năm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Indonesia sang Việt Nam bao gồm than đá, xe có động cơ, dầu động thực vật, sắt thép và kim loại cơ bản. Trong khi đó, các mặt hàng Indonesia nhập khẩu từ Việt Nam là sắt thép, máy móc và máy công cụ, máy vi tính, thiết bị điện và phụ tùng, hàng dệt may và các sản phẩm điện thoại.
Về mặt đầu tư, Indonesia là một trong những quốc gia đầu tiên đầu tư vào Việt Nam và đầu tư của Indonesia đã có đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài Việt Nam, đến tháng 8/2020, lũy kế tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Indonesia đạt 590,29 triệu USD với tổng số 97 dự án. Với giá trị đầu tư này, Indonesia được xếp vào danh sách 28 quốc gia đầu tư FDI cho Việt Nam và đứng thứ 6 trong số các nước thành viên ASEAN đầu tư vào Việt Nam.
Hiện nay, có một số công ty Indonesia đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm công nghiệp chế biến; lưu trú, ăn uống; y tế và hỗ trợ xã hội; khai thác than; xi măng, vận tải và kho bãi… Ngoài các lĩnh vực này, ba unicorn (công ty trị giá tỷ USD) đến từ Indonesia là Traveloka, Gojek và Ruang Guru (được biết đến ở Việt Nam là Kien Guru), đã bắt đầu mở rộng sang Việt Nam.
Ngoài thương mại và đầu tư, du lịch là một trong những ngành kinh tế có nhiều tiềm năng trong tương lai đối với cả hai nước. Năm 2019, lượng khách du lịch Indonesia đến Việt Nam đạt 106.688 lượt người, tăng 21,31% so với năm 2018. Trong khi đó, lượt khách du lịch Việt Nam đến Indonesia tăng 26,65% lên 96.024 lượt người vào năm 2019 so với năm trước là 75.816 lượt người.
Về lĩnh vực kết nối hàng không, đến nay đã có 3 đường bay thẳng là TP. Hồ Chí Minh - Jakarta của Vietnam Airlines (kể từ ngày 02/12/2012); TP. Hồ Chí Minh- enpasar của Vietnam Airlines (từ 27/10/2019) và Vietjet Air (từ 29/5/2019); và Hà Nội - Jakarta của Vietjet Air (kể từ ngày 26/01/2020). Kết nối hàng không đã mở ra không gian để nâng cao hợp tác hai nước.
Du lịch là một trong những ngành kinh tế bị ảnh hưởng khá nặng nề do đại dịch Covid-19. Indonesia, Việt Nam, và hầu hết các quốc gia trên thế giới, đều ghi nhận lượng khách du lịch nước ngoài giảm đáng kể do đại dịch. Tác động của Covid-19 cũng đang được cảm nhận trong lĩnh vực vận tải, lưu trú, ăn uống và công nghiệp hàng không. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, tôi hy vọng Indonesia và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác trong nỗ lực khôi phục ngành du lịch mỗi nước, trong khi vẫn chú ý đến giao thức y tế để người dân được bảo vệ tốt.
Vun đắp tình hữu nghị thông qua ngoại giao văn hóa
Giáo dục và văn hóa giúp quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước chặt chẽ hơn. Indonesia và Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ Hiểu biết lẫn nhau (MSP) trong lĩnh vực hợp tác văn hóa tháng 8/2007 và MSP trong lĩnh vực hợp tác giáo dục tháng 8/2019. Hai biên bản ghi nhớ này là nền tảng vững chắc trong Kế hoạch Hành động Thực hiện Quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2019-2023, trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ giữa các dân tộc ở cả hai nước.
Lễ hội ẩm thực Indonesia tại Việt Nam, tháng 8/2020. (Nguồn: ĐSQ Indonesia tại Việt Nam) |
Các nỗ lực ngoại giao của Indonesia tại Việt Nam được thúc đẩy liên tục và toàn diện thông qua nhiều hoạt động quảng bá văn hóa nghệ thuật, mở rộng mạng lưới hợp tác giữa báo chí hai nước, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, văn hóa và thể thao tại Việt Nam. Đặc biệt, Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội đã khánh thành Góc quảng cáo Indonesia Umah Indo, vào năm 2017, như một “ngôi nhà Indonesia”, nơi người dân có thể tìm hiểu thông tin về Indonesia, các sản phẩm của Indonesia tại Việt Nam, cũng như các khía cạnh xã hội, nghệ thuật và văn hóa khác.
Một trong những thành tựu hợp tác giáo dục và văn hóa là việc bắt đầu dạy tiếng Indonesia tại Việt Nam. Ở miền Bắc Việt Nam, các lớp học tiếng Indonesia bắt đầu tại Umah Indo, Indonesia Promo Corner và Đại học Hà Nội vào tháng 10/2018. Kể từ tháng 2/2019, tiếng Indonesia đã trở thành một trong các khóa học của Bộ môn Đông Nam Á, Khoa Đông phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Vào đầu năm 2020, các lớp học tiếng Indonesia sẽ được mở rộng với việc bắt đầu giảng dạy cho các cán bộ Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Trong ba năm qua, 486 sinh viên Việt Nam đã theo học tiếng Indonesia. Con số này phản ánh sự quan tâm và yêu thích nhiều hơn của người dân Việt Nam đối với Indonesia. Đồng thời, con số này cũng đặt ra hy vọng về việc thiết lập quan hệ toàn diện giữa nhân dân hai nước, mở ra cánh cửa hợp tác sâu rộng và cụ thể hơn, bao gồm quan hệ đối tác giữa các trường đại học, trao đổi sinh viên và trao đổi văn hóa
Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng cấp học bổng cấp bằng và không cấp bằng cho sinh viên Việt Nam, bao gồm Học bổng Văn hóa và Nghệ thuật Indonesia, Darmasiswa, và học bổng cho các Đối tác các nước đang phát triển (KNB). Ngoài học bổng chính phủ, một số trường đại học ở Indonesia cũng cấp học bổng toàn phần cho sinh viên Việt Nam và ngược lại một số trường đại học ở Việt Nam cũng cấp học bổng cho sinh viên Indonesia.
Các hoạt động khác nhau được thực hiện dưới ngọn cờ ngoại giao văn hóa Indonesia về cơ bản nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết của nhân dân hai nước thông qua việc tăng cường giao lưu nhân dân, mà cuối cùng, tôi tin rằng có thể đóng góp tích cực vào hình ảnh tích cực của mỗi nước và sự phát triển hợp tác hai nước trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam-Indonesia (VIFA) và Hội Hữu nghị Indonesia-Việt Nam (IVFA) cũng được kỳ vọng sẽ khuyến khích tăng cường tiếp xúc nhân dân và trao đổi thông tin giữa hai nước.
Indonesia và Việt Nam là hai quốc gia có vị thế đáng kể trong ASEAN. Một trong những mục tiêu chính của việc thành lập ASEAN là hiện thực hóa và duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực. Về vấn đề này, Indonesia và Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, luôn khuyến khích vai trò trung tâm của ASEAN trước những thách thức toàn cầu khác nhau, như căng thẳng ở Biển Đông, chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc thế giới và những thách thức mới nhất của đại dịch Covid-19.
Indonesia luôn cam kết ủng hộ Việt Nam giữ vai trò chủ tịch ASEAN trong năm đặc biệt này. Tôi vui mừng nhận thấy Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và tận dụng các kênh liên lạc và tham vấn trong bối cảnh nhiều bất ổn do đại dịch toàn cầu tạo ra. Trong tương lai, hy vọng hai nước có thể tiếp tục thúc đẩy hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, trong đó ổn định chính trị, hội nhập về kinh tế, có trách nhiệm xã hội, dựa trên luật lệ, lấy người dân làm trung tâm và định hướng.
Tôi cho rằng bước sang tuổi 65, quan hệ ngoại giao giữa Indonesia và Việt Nam đang đi đúng hướng. Kết quả hợp tác song phương trên các lĩnh vực được cải thiện đáng kể. Không thể phủ nhận, vẫn còn một số vấn đề đang chờ giải quyết cũng như những thách thức phải đối mặt. Tuy nhiên, hai nước cần liên tục cải thiện cơ chế phối hợp và tham vấn song phương để có thể tối ưu hóa tiềm năng hợp tác sâu rộng, tận dụng xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của nền kinh tế số để tạo dựng quan hệ đối tác tích cực và bền vững hơn. Hy vọng rằng thời điểm kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao giữa Indonesia và Việt Nam có thể mang lại nhiều lợi ích và tốt đẹp hơn nữa cho hai nước trong tương lai.
| 65 năm Việt Nam – Indonesia: Minh chứng rõ nét và sinh động nhất cho tình hữu nghị bền chặt trước thử thách TGVN. Nhân kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Indonesia (30/12/1955-30/12/2020), ngày 26/10 tại Hà Nội, Học viện Ngoại ... |
| Phát động cuộc thi tìm hiểu quan hệ Việt Nam - Indonesia TGVN. Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu về chuyến ... |
| Giao lưu văn hoá Việt Nam – Indonesia: Batik và Thổ cẩm Ê-đê Chương trình do Tập đoàn Trung Nguyên Legend phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Indonesia tại Hà Nội phối hợp tổ chức, ... |