TIN LIÊN QUAN | |
CEO Facebook thừa nhận công nghệ "deepfake" là vấn đề hóc búa | |
Singapore “làm khó” các ông lớn công nghệ |
Công cụ nhận diện video sử dụng Deepfake của DARPA, Mỹ. (Nguồn: Cogito) |
Sự ra đi đột ngột của nam diễn viên chính Paul Walker trong series phim bom tấn Fast and Furious từng khiến nhiều người đau buồn, tiếc nuối khi phần 7 của series chưa kịp đóng máy. Tuy nhiên, hàng triệu fan hâm mộ của series phim này đã hoàn toàn bất ngờ khi gương mặt của anh vẫn xuất hiện trong những cảnh quay của phần phim tiếp theo ra rạp.
Câu trả lời cho sự bất ngờ đó chính là nhờ công nghệ kỹ xảo tiên tiến, ghép gương mặt gốc của anh vào diễn viên đóng thế ở mọi cảnh quay được thực hiện sau này. Mặc dù người đóng thế chính là Cody Walker - em trai của Paul - với nhiều điểm tương đồng ở nét mặt của 2 người để giúp quá trình chỉnh sửa dễ dàng hơn, nhưng đây vẫn là một ví dụ điển hình cho thấy sức mạnh và tiềm năng mở đầu cho một công nghệ kỹ xảo thế hệ mới.
Và công nghệ Deepfake được phát triển lấy cảm hứng từ những công nghệ kỹ xảo này. Mặc dù được nhận định là sẽ rút ngắn thời gian sản xuất video, Deepfake còn đem lại nhiều tác hại, khiến giới công nghệ vẫn đang loay hoay tìm giải pháp.
Lợi bất cập hại
Tờ New York Times cho biết, công nghệ Deepfake được xây dựng trên nền tảng Machine Learning (học máy). Nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng nói trên sẽ quét các video và ảnh chân dung của một người, sau đó tích hợp vào một video khác và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, mũi, miệng... sao cho giống và tự nhiên nhất có thể.
Các chuyên gia công nghệ nhận định, sử dụng công nghệ Deepfake trong lĩnh vực sản xuất video sẽ thuận tiện hơn cho những người sản xuất nội dung. Thay vì phải quay video nhiều lần, các nhà làm hình ảnh chỉ cần sử dụng một ổ cứng máy tính có card đồ họa đủ mạnh, kho hình ảnh của người họ muốn đổi mặt, phần mềm ghép mặt đơn giản và vốn kiến thức dày dặn về tin học là có thể tạo ra video theo ý muốn.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, ngay từ khi xuất hiện, Deepfake còn cho thấy không ít mặt trái. Theo Reuters, tháng 12/2017, công nghệ “siêu làm giả” này đã trở thành từ khóa thông dụng trên Internet, sau khi người dùng có tên “Deepfakes” công bố một loạt video khiêu dâm, trong đó có gương mặt các diễn viên nổi tiếng như Scarlett Johansson hay Gal Gadot, trên trang web giải trí Reddit.
Sau khi được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên Internet, những video này đã bị cộng đồng mạng phát hiện là giả mạo, ghép mặt các ngôi sao Hollywood vào cơ thể các diễn viên khiêu dâm. Dù trang Reddit đã lập tức đóng tính năng chia sẻ những video nói trên, song Deepfake vẫn để lại sự lo lắng và hoang mang cho nhiều người dùng Internet.
Nếu như Deepfake ghép mặt nạn nhân vào các đoạn phim khiêu dâm, nhằm gây tai tiếng hoặc tăng lượt yêu thích trên các trang mạng xã hội, thì trong thời gian gần đây, các video Deepfake trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã xuất hiện ngày càng nhiều trên Internet. Ngày 17/4/2018, trên mạng xuất hiện đoạn video cho thấy một người giống với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama sử dụng những lời lẽ không hay để chỉ trích đương kim Tổng thống Donald Trump. Mặc dù công chúng sau đó phát hiện video này không có thật, nhưng đoạn phim trên đã được lan truyền rất nhanh chóng và gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Mới đây nhất, video của CEO Facebook Mark Zuckerberg với những phát ngôn gây sốc về Triển lãm Spectre đã khiến cho nhà sáng lập MXH lớn nhất toàn cầu này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận. Trong đoạn phim trên, nhân vật được cho là CEO Mark Zuckerberg đã khẳng định: “Nhờ Spectre, tôi nhận thấy rằng bất kỳ ai kiểm soát dữ liệu đều có thể kiểm soát tương lai”. Sau đó, ông chủ của Facebook đã chứng minh được đoạn video trên là Deepfake.
Không dễ kiểm soát
Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, việc sở hữu video giả mạo sử dụng công nghệ Deepfake khá đơn giản. Thậm chí, trên Internet mới đây còn xuất hiện dịch vụ nhận làm các video ghép mặt nhằm phục vụ những mục đích xấu, với mức giá chỉ 20 USD một video.
Thêm vào đó, Deepfake được cho là có thể gây ra các hậu quả khó lường khi được sử dụng với mục đích xấu trong chính trị. Năm 2018, một video giả mạo từng được tung lên mạng, tuyên truyền về sức khỏe không tốt của Tổng thống Gabon Ali Bongo. Vụ việc được cho là đã “châm ngòi nổ” cho cuộc đảo chính quân sự bất thành tại quốc gia châu Phi này.
Còn tại Mỹ, ngày 13/6 vừa qua, đại diện đảng Dân chủ của Washington Adam Schiff đã cảnh báo Deepfake có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, khi gần đây liên tục xuất hiện các video giả nhằm làm xấu hình ảnh các ứng cử viên Tổng thống. Trước những nguy cơ từ Deepfake, tháng 8/2018, các nhà nghiên cứu tại Cơ quan Chỉ đạo các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho ra mắt công cụ cho phép nhận diện video sử dụng công nghệ ghép mặt. Dù vậy, trong bối cảnh những kỹ thuật làm giả ngày càng phát triển, các chuyên gia công nghệ cũng phải liên tục phát triển các công cụ nhận diện nhằm đối phó với những chiêu trò giả mạo mới nhất.
Cho đến nay, các nền tảng mạng xã hội như Facebook vẫn chưa có một chính sách cụ thể đối với Deepfake. Theo CEO Facebook Mark Zuckerberg, không chỉ riêng Facebook, mà nhiều nền tảng khác đều phải đối mặt với thách thức từ Deepfake. Đại diện Twitter hay Reddit cũng phải công nhận Deepfake là một vấn đề hóc búa và nan giải.
Về phía người dùng, các nhà khoa học cho rằng, để hạn chế khả năng bị làm giả danh tính, mỗi cá nhân trên mạng Internet nên tự khống chế số lượng người có thể xem video và hình ảnh của chính mình.
| Cần tạo “màng lọc” trên mạng xã hội Chia sẻ tại tọa đàm “Truyền thông trên mạng xã hội” (diễn ra ngày 13/6) tại Hà Nội, ông Lê Quốc Minh (Phó Tổng Giám ... |
| Tổng thống Mỹ công bố "Giải Đưa tin giả mạo" Sáng 17/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố những nhà báo mà ông cho rằng đã đưa tin sai ... |
| Pháp tuyên chiến với vấn nạn thông tin giả mạo trên Internet Ngày 3/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo nước này sẽ sớm ban hành một văn bản luật để chống lại các thông tin ... |