📞

iPhone 12 không bán kèm cục sạc và tai nghe, Apple đang quá tham lam?

Thế Anh 14:30 | 03/10/2020
TGVN. Việc iPhone 12 bị loại bỏ cục sạc cũng như tai nghe khi bán ra có thể khiến Apple phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ phía người dùng.
iPhone 12. (Nguồn: vnexpress)

Mới đây, bộ đôi Apple Watch 6 và Apple Watch SE được bán ra nhưng không có sẵn cục sạc ở trong hộp. Điều này càng làm dấy lên những tin đồn trước đó về việc Apple cũng sẽ loại bỏ cục sạc trên những chiếc iPhone 12 khi bán ra.

Chưa dừng lại ở đó, một nguồn tin từ MacRumors vừa tiết lộ rằng bên cạnh việc loại bỏ cục sạc, tai nghe EarPods cũng sẽ không còn được bán kèm trong hộp của iPhone 12. Theo đó, trên phiên bản iOS 14, các nội dung liên quan đến sóng RF (tần số vô tuyến) vẫn còn phần “tai nghe được cung cấp”. Trong khi đó, ở phiên bản iOS 14.2 beta mới nhất, Apple đã loại bỏ phần “được cung cấp”, chỉ còn lại “tai nghe”.

So sánh ghi chú trên iOS 14 (bên trên) và iOS 14.2 (bên dưới). (Nguồn: Dân trí)

Trước đó, một hình ảnh render về hộp đựng của những chiếc iPhone 12 cũng cho thấy bên trong nó không hề có chỗ để đựng tai nghe EarPods hay cục sạc. Những thông tin này đã gây ra không ít ý kiến trái chiều và cho rằng Apple đang quá tham lam.

Vì sao Apple loại bỏ cục sạc, tai nghe?

Đối với Apple, có nhiều lý do khác nhau để hãng đưa ra quyết định loại bỏ cục sạc cũng như tai nghe trong hộp của những chiếc iPhone 12. Trước tiên, nó sẽ giúp công ty cắt giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là ở thời điểm hiện tại khi công nghệ 5G đang đẩy giá bán smartphone tăng cao.

“Tôi nghĩ rằng động lực chính của việc này xuất phát từ nỗ lực không tăng giá bán sản phẩm”, Carolina Minaesi, nhà phân tích tại Creative Strategies nhận định.

Một lợi ích khác mà Apple có thể đạt được từ động thái này là bảo vệ môi trường. Trao đổi với The Verge, ông Steven Yang, Giám đốc điều hành Anker ước tính rằng mỗi năm có khoảng 300.000 tấn rác thải điện tử từ các bộ sạc có sẵn trong hộp.

Việc loại bỏ cả cục sạc và tai nghe trên iPhone 12 có thể gây ra nhiều phản ứng trái chiều. (Nguồn: Dân trí)

“Nhiều người đang có thừa các bộ sạc. Vấn đề rác thải điện tử hoàn toàn có thật. Ngay cả chi phí môi trường của việc vận chuyển tất cả bộ sạc cũng rất lớn”, Avi Greengart, nhà phân tích chính tại Techsponential chia sẻ.

Trên thực tế, một số nhà sản xuất smartphone trước đây cũng từng chọn giải pháp loại bỏ tai nghe để cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, chưa có hãng smartphone nào loại bỏ cả 2 phụ kiện này. Vì thế, Apple chắc chắn sẽ cần phải đưa ra một số ưu đãi nhất định để bù đắp cho người dùng về những cắt giảm trên.

Người dùng iPhone vốn đã chịu nhiều thiệt thòi

Trong vài năm gần đây, Apple đã nhận phải không ít chỉ trích từ phía người dùng khi chỉ trang bị bộ sạc thường cho những chiếc iPhone dù chúng luôn có mức giá trên trời. Đến tận năm 2019, Apple mới trang bị bộ sạc nhanh trong hộp cho phiên bản cao cấp iPhone 11 Pro và 11 Pro Max.

Từ đó có thể suy luận, ngay cả khi Apple không loại bỏ cục sạc và tai nghe, phiên bản iPhone 12 thường và iPhone 12 mini nhiều khả năng cũng sẽ không được trang bị sẵn sạc nhanh trong hộp.

Trong khi đó, khi nhìn sang các đối thủ Android, tất cả smartphone cao cấp đều được hãng trang bị sẵn bộ sạc nhanh trong hộp. Thậm chí, 2 năm trở lại đây, phụ kiện này ngày càng phổ biến và đã được tặng kèm ngay cả với những mẫu smartphone Android tầm trung.

Sạc nhanh đang dần trở thành một tính năng quan trọng đối với nhiều người dùng. Những bộ sạc nhanh từ các thương hiệu bên thứ 3 như InnoStyle hay Anker cũng có giá bán ngày càng rẻ, dễ dàng tiếp cận. Vì thế, việc Apple không bán kèm cục sạc trong hộp cũng không phải vấn đề quá nghiêm trọng.

“Đối với việc iPhone mới không bán kèm cục sạc thì người dùng cũng không cần lo lắng quá nhiều. Hiện tại, người dùng đã có nhiều lựa chọn khác nhau khi mua sạc nhanh cho iPhone. Vấn đề nằm ở việc sau khi ngừng bán sạc, giá máy có tốt hơn so với năm ngoái hay không. Chúng ta vẫn sẽ phải chờ đợi khi hãng ra mắt chính thức những sản phẩm mới”, ông Lê Xuân Tình, đại diện một cửa hàng điện thoại tại đường Lê Hồng Phong, Quận 10, TP.HCM chia sẻ.

(theo Dân trí)