Đây là tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi đưa ra ngày 24/6 trong bối cảnh các nước phương Tây đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận quan trọng này sau sự rút lui của Mỹ.
Phát biểu tại thủ đô Tehran, Thứ trưởng Araqchi nhấn mạnh 3 nước châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết đưa ra một gói giải pháp có tính khả thi nhằm bảo vệ lợi ích của Iran trong thỏa thuận. Ông nhấn mạnh Tehran chờ và hy vọng sẽ nhận được gói giải pháp này vào cuối tháng Sáu.
Ông Araqchi cho rằng, với sự ra đi của Mỹ, thỏa thuận hạt nhân Iran - hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đang trong thời điểm "then chốt".
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi. (Nguồn: Barsh.ir) |
Ông khẳng định, Iran đang tiến hành đối thoại các cấp với những nước còn lại tham gia ký kết thỏa thuận, gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức, nhằm đưa các vòng đối thoại hạt nhân trở lại lộ trình.
Ông Araqchi tuyên bố Tehran chưa có quyết định cuối cùng về việc rời bỏ hay ở lại JCPOA và điều này phụ thuộc vào việc các nước châu Âu có đáp ứng các yêu cầu chính đáng của Iran hay không.
Nhà ngoại giao Iran cũng cảnh báo Tehran sẵn sàng quay trở lại thời kỳ tiền JCPOA, thậm chí giai đoạn trước đó.
Thứ trưởng Araqchi đồng thời khẳng định, nếu hai nội dung chủ chốt của JCPOA là Iran triển khai các hoạt động hạt nhân vì mục đích dân sự và việc phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, bị lung lay hoặc hủy bỏ, toàn văn kiện này cũng bị hủy bỏ.
Hồi đầu tháng Sáu, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã hối thúc các nước châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đưa ra “những biện pháp rõ ràng và khả thi” để bảo vệ lợi ích của Iran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Washington khỏi văn kiện này, đồng thời đe dọa nối lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Theo JCPOA, các biện pháp trừng phạt Iran liên quan chương trình hạt nhân của nước này dần được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran bảo đảm tính chất hòa bình của các hoạt động hạt nhân.
Thỏa thuận quy định Iran có quyền xây dựng và thử nghiệm một số máy ly tâm làm giàu urani, mặc dù hạn chế về chủng loại và số lượng máy trong 10 năm đầu thực hiện thỏa thuận. Ngoài ra, Tehran chỉ được làm giàu uranium ở mức 3,67%.