Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Valiollah Seif. (Nguồn: Reuters) |
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Valiollah Seif, Iran sẽ được nhận lại khối tài sản 32 tỷ USD từng bị đóng băng ở nước ngoài sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ. Sự kiện diễn ra sau khi Cơ quan Giám sát Năng lượng Nguyên tử Liên hợp quốc (IAEA) cuối tuần trước xác nhận, Tehran đã tuân thủ những biện pháp theo thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) tại Vienna (Áo), hồi tháng 7 năm ngoái.
Ông Valiollah Seif cho biết, hiện khối tài sản đang được giữ “trong một tài khoản tập trung và an toàn” ở nước ngoài.
“28 tỷ USD sẽ được chuyển vào Ngân hàng Trung ương, và 4 tỷ USD còn lại sẽ được chuyển vào kho bạc Nhà nước dưới hình thức trái phiếu Chính phủ”, ông Valiollah Seif tuyên bố.
Từ năm 2006, nền kinh tế của Iran phải chịu rất nhiều áp lực, bị bó buộc do các lệnh trừng phạt quốc tế, nhằm ngăn chặn quốc gia Hồi giáo này phát triển chương trình hạt nhân.
Sau khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Iran hy vọng sẽ từng bước giảm thiểu tình trạng bị cô lập như trước đây, có thể mở rộng giao dịch quốc tế, nhằm bơm sức sống mới vào nền kinh tế bị kìm hãm quá lâu.
Tuy nhiên, việc mở cửa với thế giới không hoàn toàn có thể khắc phục nền kinh tế của Tehran. Cùng ngày, trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Hassan Rouhani một mặt kêu gọi Iran tăng gấp đôi nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài và tự do hóa nền kinh tế, mặt khác vẫn không quên cảnh báo, “đoạn đường khó khăn chỉ mới bắt đầu”.
“Các lệnh trừng phạt đã không còn nữa, nhưng trước mắt vẫn là một chặng đường dài. Vấn đề chính của chúng ta hiện nay là thất nghiệp và suy thoái kinh tế. Nền kinh tế của chúng ta đang thiếu sự bùng nổ và có nhiều khiếm khuyết về cấu trúc kinh tế”, Tổng thống Hassan Rouhani phát biểu tại một Hội nghị kinh tế ở Tehran.