📞

Iran tìm cách tăng cường ảnh hưởng trong khu vực

13:34 | 21/01/2017
"Tehran không coi cuộc chiến tại Syria là nội chiến. Họ cho rằng nó giống một cuộc chiến tranh thế giới vi mô hơn, có thể làm ảnh hưởng đến tình hình địa chính trị của Trung Đông".

Theo nhận định của giới chuyên gia, Iran đang hy vọng các cuộc hòa đàm về tình hình Syria, sẽ diễn ra vào tuần tới, là cơ hội để nước này tạo dựng ảnh hưởng trong khu vực trong bối cảnh cả Tehran, Moscow và Ankara đều đang tìm cách có được vai trò lớn hơn tại khu vực này.

Hình ảnh tan hoang tại Syria. (Nguồn: AFP)

Lợi ích sát sườn

Việc quân đội Syria chiếm lại được thành trì của quân nổi dậy ở phía đông Aleppo hồi tháng trước đã đặt Tehran vào vị trí trung tâm của "cuộc chơi" ngoại giao đang diễn ra liên quan đến tương lai của Syria. Quân đội Syria giành được chiến thắng này là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ các cố vấn quân sự người Iran và hàng nghìn tay súng "tình nguyện".

Tuần qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã nói rằng, các nhà đồng bảo trợ cho các cuộc hòa đàm ở Astana vào ngày 23/1 tới (gồm Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ) là những cường quốc duy nhất có ảnh hưởng và có khả năng biến thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa Chính phủ Syria và phe nổi dậy thành một giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, việc giải quyết các lợi ích cũng như các kế hoạch khác nhau của các nhà đồng bảo trợ sẽ vô cùng khó khăn.

Đối với Iran, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sự tồn tại cho đồng minh lâu đời, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, hay ít nhất là một quá trình chuyển giao quyền lực được kiểm soát một cách cẩn thận để ngăn Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan hoặc một chính phủ có xu hướng thiên về các đối thủ của Tehran. Iran cũng muốn đảm bảo an toàn cho tuyến đường bộ ngang qua Iraq và Syria dẫn vào Lebanon, nơi có đồng minh Hezbollah của nước này. 

Adnan Tabatabai, nhà phân tích về Iran và cũng là CEO của trung tâm tư vấn CARPO có trụ sở tại Đức, nói: "Tehran không coi cuộc chiến tại Syria là nội chiến. Họ cho rằng nó giống một cuộc chiến tranh thế giới vi mô hơn, có thể làm ảnh hưởng đến tình hình địa chính trị của Trung Đông. Tehran tin rằng, Israel sẽ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran nếu Hezbollah không tồn tại như một lực lượng ngăn chặn ở biên giới Israel-Lebanon. Chính vì vậy, việc tiếp cận Hezbollah và duy trì cái gọi là 'trục kháng cự" xuyên qua lãnh thổ Syria là ưu tiên hàng đầu then chốt đối với Iran".

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: Reuters)

Đồng hành cùng Nga?

Có một điều đáng ngạc nhiên là mối quan hệ giữa Iran và Nga - nước ủng hộ chính cho ông Assad, đã bắt đầu rạn nứt. Iran lo ngại Nga bắt đầu quay sang phía Thổ Nhĩ Kỳ, hợp tác với các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và loại Iran ra khỏi các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ban đầu ở miền Bắc Syria. Ali Vaez, thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho rằng Iran và Nga mãi mãi chỉ là "các đối tác chiến thuật, chứ không phải các đồng minh chiến lược. Nga dường như không có chung những ưu tiên then chốt với Iran ở Syria. Ông Assad đối với Iran quan trọng hơn nhiều so đối với Nga".

Tuy nhiên, các chuyên gia khác không đồng tình với ý kiến này khi cho rằng Nga không còn lựa chọn nào ngoài việc đồng hành cùng Iran. Ali Montazeri, nhà phân tích tại Tehran, nói: "Nga muốn có một sự hiện diện mang tính chiến lược và hùng mạnh tại Syria cũng như tại khu vực. Họ hiểu cần phải hợp tác với Iran vì Iran có ảnh hưởng ngày càng tăng trong toàn khu vực".

Trên thực tế, Iran đã đạt được rất nhiều thành công ở khắp Trung Đông trong những tháng gần đây. Ngoài những thành công trên chiến trường Syria, Tehran còn chứng kiến ứng cử viên mà họ ủng hộ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống ở Lebanon, và đối thủ của họ trong khu vực là Saudi Arabia ngày càng bị sa lầy vào cuộc xung đột ở Yemen cũng như đang phải vật lộn với thực trạng doanh thu từ dầu lửa giảm. Chỉ riêng việc có một ghế trong bàn đàm phán về tình hình Syria đã được coi là thành công lớn đối với Iran, nước trước đây không được tham gia các cuộc đàm phán hòa bình về Syria do Liên hợp quốc bảo trợ.

Thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký năm 2015 với các cường quốc thế giới đã đưa Iran trở lại vũ đài thế giới, giúp Tehran có một vị trí trong hội nghị quốc tế về Syria tại Vienna hồi tháng 10/2016. Từ đó, khó ai có thể phớt lờ vai trò trung tâm của Iran trong cuộc xung đột này. Hiện giờ, Iran hy vọng sẽ biến sức mạnh mà nước này có được trên chiến trường Syria thành ảnh hưởng trong các cuộc đàm phán.

(theo AP)