Mỹ cảnh báo Iran về việc vượt hạn mức dự trữ uranium làm giàu. (Nguồn: The Canadian Press) |
Iran gần đây đã tuyên bố nước mức uranium làm giàu ở cấp độ thấp của nước này đã vượt phạm vi giới hạn của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran đã ký với các cường quốc phương Tây. Tuyên bố này làm dấy lên cảnh báo từ Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Iran "đang đùa với lửa".
Hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran cho biết, lượng dự trữ uranium của Iran đã vượt hạn mức 300kg theo thỏa thuận JCPOA. Từ Vienna, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát hoạt động hạt nhân của Iran - xác nhận Tehran đã vượt quá giới hạn cho phép. Phát biểu với báo giới khi được hỏi liệu ông có gửi thông điệp gì cho Iran hay không, Tổng thống Trump nói: "Không có thông điệp nào cho Iran. Họ biết điều họ đang làm. Họ biết họ đang đùa với cái gì và tôi cho rằng họ đang đùa với lửa".
Trước đó, Nhà Trắng tuyên bố sẽ tiếp tục áp đặt "sức ép tối đa" đối với Iran cho đến khi "giới lãnh đạo nước này thay đổi phương thức hành động". Mỹ cũng nhấn mạnh Tehran cần duy trì mức độ chuẩn làm giàu uranium được cho phép theo thỏa thuận.
Tuyên bố của Tehran đánh dấu bước đi lớn đầu tiên mà Iran thực hiện vượt ra khỏi khuôn khổ các thỏa thuận của thỏa thuận hạt nhân kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này cách đây hơn một năm. Tuy nhiên, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định, bước đi này không vi phạm thỏa thuận, giải thích rằng Tehran có quyền đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Tuy nhiên, bước đi này có thể gây ra những hệ lụy sâu rộng trên mặt trận ngoại giao trong bối cảnh các nước châu Âu đang nỗ lực kéo Mỹ và Iran quay trở lại đối thoại thay vì đối đầu như hiện nay. Động thái này của Tehran diễn ra chưa đầy 2 tuần sau khi ông Trump tuyên bố đã ra lệnh không kích Iran và chỉ lệnh hủy cuộc tấn công này vào phút chót.
Bài toán cho châu Âu
Các cường quốc châu Âu, vốn vẫn tham gia thỏa thuận và lâu nay cố gắng duy trì sự tồn tại của thỏa thuận, đã kêu gọi Iran không có các bước đi tiếp theo vi phạm thỏa thuận này. Các nước này không tuyên bố từ bỏ thỏa thuận cũng như không tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt của họ đối với Tehran.
Viết trên trang mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Iran Zarif khẳng định: “Ngay khi E3 tuân thủ nghĩa vụ của họ, chúng tôi sẽ đảo ngược quyết định của mình”. E3 bao gồm Anh, Pháp và Đức. Iran cũng nói rằng nước này muốn duy trì thỏa thuận song không thể mãi tuân thủ các điều khoản khi các đòn trừng phạt của Mỹ đã lấy đi lợi ích mà đáng nhẽ ra Tehran được hưởng từ việc tuân thủ cắt giảm chương trình hạt nhân của mình.
Sau một cuộc họp nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, hôm 28/6, Liên minh châu Âu cho biết đã thiết lập một cơ chế thanh toán đặc biệt để giúp Tehran lách các đòn trừng phạt của Washington. Với tên gọi INSTEX, cơ chế này cuối cùng đã "đi vào hoạt động" và các giao dịch đầu tiên đang được tiến hành. Thế nhưng, Ngoại trưởng Zarif cho rằng những "nỗ lực của châu Âu là chưa đủ, do đó, Iran sẽ thực hiện các biện pháp đã tuyên bố của mình". Ông Zarif nói thêm rằng, cơ chế INSTEX mới chỉ ở "giai đoạn bắt đầu" chứ chưa thực sự được triển khai đầy đủ.
Tuyên bố này là một phép thử đối với ngoại giao châu Âu khi mà trước đó giới chức Pháp, Anh và Đức cam kết sẽ đưa ra cách đáp trả ngoại giao mạnh mẽ nếu Iran về cơ bản vi phạm thỏa thuận. Trước đó, các nước châu Âu này, vốn phản đối Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận, đã viện dẫn việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói rằng, London muốn duy trì thỏa thuận vì không muốn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân song nếu Iran vi phạm thỏa thuận thì London cũng sẽ ra khỏi thỏa thuận này.
Các cường quốc châu Âu đang ở thế khó xử với việc Iran vượt quá giới hạn uranium làm giàu. (Nguồn: Iran Daily) |
Theo ông David Albright, cựu thanh sát viên vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc từng tham vấn giới chức châu Âu về thỏa thuận hạt nhân Iran, mặc dù E3 "nóng mặt" trước việc Iran phá vỡ mức trần cho phép song sự vi phạm này không đủ nghiêm trọng để họ phải ngay lập tức tìm kiếm các đòn đáp trả thông qua trừng phạt quốc tế. Các nước châu Âu vẫn đang chờ đợi những vi phạm to tát hơn vốn là dấu hiệu cho thấy Tehran đang trở lại chương trình phát triển vũ khí hạt nhân mà cả CIA và IAEA đều khẳng định Tehran đã từ bỏ từ năm 2003. "Sẽ có những ồn ào, song không có hành động to tát nào để đáp trả", ông Albright hiện là Giám đốc Viện nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế có trụ sở ở Mỹ chia sẻ với hãng tin Reuters.
Chia sẻ quan ngại với châu Âu, người phát ngôn Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, bước đi này của Tehran không giúp duy trì thỏa thuận cũng như bảo toàn lợi ích kinh tế cho người dân, đồng thời kêu gọi giải quyết tình hình hiện nay bằng cơ chế thỏa thuận. Nhân dịp này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahy kêu gọi các nước châu Âu áp đặt đòn trừng phạt vào đối thủ Iran thay vì thực hiện các cam kết của mình. Trong khi đó, đồng minh Moscow của Tehran đã lên tiếng bênh vực khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng, động thái của Iran là "đáng tiếc" song cũng là "một hệ quả tự nhiên của các sự việc gần đây" và cũng là hệ quả của "sức ép chưa có tiền lệ" từ Mỹ.
Cuộc chiến kinh tế
Hồi tháng Năm vừa qua, Iran tuyên bố sẽ đẩy mạnh sản xuất uranium làm giàu nhằm đáp lại việc Chính quyền Trump mạnh tay trừng phạt Iran vào tháng đó. Hiện Washington đã kêu gọi được tất cả các nước ngừng mua dầu mỏ của Iran hoặc sẽ phải đối mặt với đòn trừng phạt, điều mà Tehran gọi là "cuộc chiến kinh tế" nhằm làm sa sút tinh thần người dân nước này.
Trong vòng 2 tháng kể từ khi các đòn trừng phạt được thắt chặt, cuộc đối đầu Mỹ - Iran đã lan sang lĩnh vực quân sự. Washington đã chỉ trích Tehan tấn công các tàu chở dầu, bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, khiến Washington quyết định tấn công đáp trả song hủy vào phút chót. Ngoại trưởng Zarif tuyên bố bước đi tiếp theo của Iran sẽ là làm giàu uranium vượt mức tối đa cho phép 3,67% bắt đầu từ ngày 7/7 tới.
Cho đến thời điểm này, các động thái của Iran dường như là một phép thử được tính toán đối với các cơ chế thực thi thỏa thuận hạt nhân cũng như cách thức đối phó về mặt ngoại giao. "Đây không phải là bước đi không thể đảo ngược mà Iran đã thực hiện. Iran cùng với các đối tác còn lại có thể quyết định cách thức họ sẽ xử lý vấn đề", bà Wendy Sherman, Giám đốc Trung tâm Lãnh đạo Công chúng tại trường Harvard Kennedy bình luận trên Reuters.
Các lệnh trừng phạt sẽ "hồi sinh"
Việc Iran đã phá vỡ giới hạn về dự trữ uranium rất có thể sẽ dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc tế chống Tehran.
Hầu hết những biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc đều được gỡ bỏ khi thỏa thuận hạt nhân được thực thi vào tháng 1/2016. Tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA với lí do thỏa thuận này không triệt để và không giải quyết được chương trình tên lửa hay các hoạt động của Iran ở Trung Đông.
Iran tranh luận rằng việc nước này vượt quá giới hạn dự trữ uranium không vi phạm thỏa thuận hạt nhân, mà thay vào đó, đây là sự đáp trả việc Mỹ rút khỏi JCPOA.
Trong một thông cáo được gửi đến các nước thành viên của IAEA vào ngày 1/7, Iran cho biết nước này đã chính thức triển khai thủ tục giải quyết tranh cãi về thỏa thuận hạt nhân từ ngày 10/5/2018, sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Theo đó, nếu như một bên không hài lòng với những nỗ lực nhằm giải quyết những khiếu nại của họ thì họ có thể "coi những vấn đề chưa được giải quyết là cơ sở để ngừng thực hiện toàn bộ hoặc một phần các cam kết của mình".
Quá trình giải quyết tranh cãi về thỏa thuận hạt nhân có thể diễn ra trong 65 ngày, trừ phi các bên nhất trí kéo dài thêm. Sẽ có 6 bước để giả quyết vấn đề này. Trong đó có khả năng mọi biện pháp trừng phạt trong tất cả các nghị quyết trước đây của Liên hợp quốc sẽ được tái áp dụng, trừ phi HĐBA có quyết định khác. Nếu các biện pháp trừng phạt trước đây được tái áp dụng, chúng sẽ không có hiệu lực hồi tố đối với các thỏa thuận mà Iran đã ký kết.