Một địa điểm do quân đội Morocco kiểm soát trên con đường nối nước này với Mauritania tại Guerguerat, Tây Sahara. (Nguồn: AFP) |
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gửi một bức thư thông báo cho Quốc vương Morocco Mohammed VI về quyết định nêu trên. Theo hoàng gia Morocco, ông khẳng định lập trường của Nhà nước Do Thái sẽ được thể hiện trong tất cả công văn, tài liệu liên quan của Nhà nước Do Thái. Đồng thời, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhấn mạnh, nước này sẽ thông báo tới Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực mà Nhà nước Do Thái là thành viên cũng như tất cả các quốc gia mà Israel có quan hệ ngoại giao về quyết định này.
Ngoại trưởng Israel Eli Cohen khẳng định quyết định công nhận nêu trên sẽ “góp phần thắt chặt quan hệ giữa hai bên” và tăng cường ổn định khu vực. Năm 2020, Morocco đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel, qua đó trở thành nước thứ Tư thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhà nước Do Thái sau Hiệp ước Abraham. Vừa qua, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã bổ nhiệm tùy viên quốc phòng tới Rabat.
Về phần mình, nhấn mạnh lập trường của phía Israel về Tây Sahara đã “rõ ràng”, song, quan chức Morocco khẳng định Rabat sẽ không vì thế mà thay đổi lập trường về giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine. Quốc gia này kỳ vọng quyết định trên sẽ khuyến khích Nhà nước Do Thái quan tâm đầu tư vào Tây Sahara.
Morocco đã kiểm soát khu vực Tây Sahara từ năm 1975, song nhiều nước đã không công nhận chủ quyền của Rabat với vùng lãnh thổ này. Năm 2020, cựu Tổng thống Mỹ khi đó đã công nhận chủ quyền của Morocco với vùng lãnh thổ này. Hiện 28 quốc gia, chủ yếu đến từ châu Phi và khối Arab, đã mở lãnh sự quán tại Dakhla (hay Laayoune). Morocco coi đây là sự ủng hộ rõ ràng cho chủ quyền với lãnh thổ này.
Trong đó, lực lượng Mặt trận Polisario thân Algeria vẫn kêu gọi sự độc lập cho vùng Tây Sahara. Lập trường khác biệt về khu vực này đã khiến quan hệ giữa Rabat và Algiers căng thẳng trong thời gian dài.