Nhà thiết kế Issey Miyake hậu show diễn ở Paris năm 1991. (Nguồn: Getty) |
Thông tin nhà thiết kế Issey Miyake qua đời được công ty thiết kế Miyake công bố ngày 9/8 vừa qua. Ông Miyake từ trần tại một bệnh viện ở Tokyo, nguyên nhân do ung thư gan.
Ông Miyake được biết đến nhiều nhất với trang phục nếp gấp siêu nhỏ, được tạo nên nhờ hệ thống xử lý nhiệt độc quyền, trình làng lần đầu tiên năm 1988. Gần đây, các sản phẩm của nhà thiết kế Issey Miyake nhận được sự yêu thích của một lượng lớn người tiêu dùng mới và trẻ hơn, đặc biệt là với nhãn hiệu nước hoa L’eau d’Issey.
Ông Miyake đã trở thành hình mẫu của sức mạnh kinh tế và thời trang Nhật Bản vào những năm 1980. Các thiết kế của Issey Miyake xuất hiện ở khắp mọi nơi từ đồng phục cho công nhân tại hãng điện tử khổng lồ Sony đến sàn nhảy. Nhà thiết kế người Nhật là người sáng tạo ra chiếc áo cổ lọ màu đen đặc trưng mà nhà sáng lập Apple Steve Jobs thường mặc khi còn sống.
Tìm thử thách để vượt qua
Ông Miyake sinh ngày 22/4/1938 tại Hiroshima với tên khai sinh là Kazunaru Miyake. Năm lên bảy tuổi, ông trở thành một trong những nạn nhân may mắn sống sót sau vụ thả bom nguyên tử xuống thành phố nơi ông sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ vụ nổ, ông mắc tật ở chân và khập khiễng đến cuối đời. Mẹ ông mất vì nhiễm phóng xạ chỉ ba năm sau.
Nhà thiết kế đã không tiết lộ về quá khứ đau buồn đó cho đến năm 2009, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng ủng hộ một thế giới không có vũ khí hạt nhân. “Tôi đã cố gắng bỏ chúng lại phía sau, tôi thích nghĩ về những thứ không bị phá hủy, mang lại vẻ đẹp và niềm vui. Tôi tập trung vào lĩnh vực thiết kế thời trang một phần vì nó mang xu hướng sáng tạo, hiện đại và lạc quan”, ông viết trong một bài báo năm 2009 trên tờ The New York Times.
Khi còn nhỏ, ông muốn trở thành một vũ công. Tuy nhiên, ông lại đem lòng yêu mến thời trang sau khi đọc nghiền ngẫm những cuốn tạp chí thời trang của người chị gái. Năm 1964, ông tốt nghiệp ngành đồ họa thuộc trường đại học mỹ thuật Tama ở Tokyo. Năm 1965, chàng trai trẻ người Nhật chuyển đến Paris khi đổi hướng sang ngành thiết kế thời trang. Lúc này, Issey Miyake gia nhập trường Chambre Syndicale de la Couture Parisienne, rồi học việc cùng các nhà thiết kể nổi tiếng như Guy Laroche và Hubert de Givenchy. Sau đó, ông đến New York thực tập cùng Geoffrey Beene.
“Tôi học haute couture (thời trang cao cấp - tiếng Pháp) , và ngành học ấy rất tốt, nhưng họ đã hoàn thiện kỹ thuật rồi, và không còn gì để cho tôi vượt qua nữa. Nên tôi phải di chuyển đến New York để làm điều gì đó mới, phải suy nghĩ về thứ gì đó khác với thời trang châu Âu”, ông Miyake chia sẻ trong một bài phỏng vấn trên tờ WWD.
Luôn hướng đến cái đẹp
Năm 1970, Issey Miyake quyết định trở về Nhật Bản và thành lập công ty thiết kế Miyake (Miyake Design Studio), nhà sản xuất thời trang nữ cao cấp. Rất nhanh chóng, tên tuổi của ông đã lan rộng thế giới thời trang.
Năm 1971, ông tung ra bộ váy được in họa tiết mô phỏng hình xăm toàn thân, tô vẽ chân dung hai nghệ sỹ nhạc rock tài hoa bạc mệnh là Jimi Hendrix (1942-1970) và Janis Joplin (1943-1970). Vì chiếc đầm nổi tiếng này, tên tuổi Issey Miyake nổi lên như cồn. Trung tâm thương mại Bloomingdale’s tại Mỹ ngay lập tức đặt mua nhiều bộ sưu tập của ông, giúp ông khởi nghiệp thành công.
Các thiết kế của ông mang màu sắc tươi vui, có tính ứng dụng cao, và sử dụng phom dáng mới lạ. Ông cũng trở thành một trong những nhà thiết kế người Nhật đầu tiên trình diễn BST thời trang ở Paris, giúp đưa tên tuổi Nhật Bản lên bản đồ thời trang quốc tế trong thập niên 1970.
Nhà thiết kế có lẽ được biết đến nhiều nhất với thương hiệu Pleats Please của mình, với loại vải gấp nếp gần đây đã được nam giới ngày càng ưa chuộng, với nhãn hiệu Homme Plissé Issey Miyake.
Đặc biệt, Issey Miyake cũng đã tạo ra một bước đột phá mới trong thế giới nước hoa. Năm 1991, ông bắt tay với công ty Shiseido để sản xuất nước hoa dành cho phụ nữ. “Khi tôi nghĩ đến nước hoa, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là nước,” Miyake nói vào năm 1992. “Vì vậy, chúng tôi gọi nó là L’Eau d’Issey (nước của Issey), cũng là một cách chơi chữ “odyssey”. Hương thơm nhẹ nhàng, không màu được đựng trong một chai hình nón phá cách, với một nắp kim loại bên trên với một quả bóng trong suốt.
Ông thường nhấn mạnh rằng không coi mình là một nhà thiết kế thời trang, mà chỉ đơn giản là một người may quần áo bởi “bất cứ thứ gì ‘hợp thời trang’ đều lỗi mốt quá nhanh”. “Thứ tôi muốn làm không phải là quần áo chỉ dành cho những người có tiền. Đó là những mẫu quần jeans và áo thun, những thứ quen thuộc với rất nhiều người, dễ giặt và dễ sử dụng”, ông trả lời nhật báo Nhật Bản The Yomiuri Shimbun trong một cuộc phỏng vấn năm 2015.
Sự ra đi của nhà thiết kế người Nhật Bản đã để lại không ít sự nuối tiếc trong thế giới thời trang. Những thành tựu của Issey Miyake vẫn được ghi nhớ đến nay. Ông được vinh dự trao Huân chương Văn hóa của Nhật Bản vì những đóng góp to lớn đối với ngành thời trang.