Trong khi chính quyền mới của Rome chỉ vừa mới thành hình, thì ở bên kia biển Balear, Madrid cũng chứng kiến một quá trình thay đổi lãnh đạo bất ngờ.
Mạnh mẽ trong những tuyên bố quyết bảo vệ chủ quyền Tây Ban Nha trước phong trào ly khai tại Catalonia, song ông Mariano Rajoy cùng đảng Nhân dân (PP) )vẫn phải đầu hàng làn sóng phản đối Thủ tướng đến từ Hạ viện. Với 180 phiếu ủng hộ, 169 phiếu phản đối và 1 phiếu trống trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nhà lãnh đạo 63 tuổi đã phải đệ đơn từ chức; thay thế ông là Chủ tịch của đảng cánh tả Công nhân Xã hội Tây Ban Nha (PSOE), ông Pedro Sanchez. Đây cũng là lần đầu tiên một người đứng đầu Chính phủ Tây Ban Nha thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Ông Mariano Rajoy (trái) bắt tay người kế nhiệm Pedro Sanchez sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 1/6. (Nguồn: AhoraInformacion) |
Thất bại là vậy, song trong bảy năm cầm quyền của mình, cựu Thủ tướng Mariano Rajoy đã đạt được những thành tựu đáng nể. Những người ủng hộ coi ông là người kiểm soát khủng hoảng, đưa Tây Ban Nha thoát khỏi gói cứu trợ kinh tế, vực dậy đất nước và duy trì tăng trưởng thường niên mạnh mẽ ở mức 3% kể từ năm 2015. Dưới sự lãnh đạo của ông Rajoy, Madrid đã phần nào dập tắt phong trào ly khai tại Catalonia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của xứ sở bò tót.
Tuy nhiên, trong thời gian ông cầm quyền, bất bình đẳng giới tiếp tục là vấn đề nhức nhối ở Tây Ban Nha. “Giọt nước tràn ly” khi cựu Thủ quỹ của PP, Luis Barcenas, bị bắt vì biển thủ công quỹ, rửa tiền, vi phạm luật thuế và nhận mức án 33 năm tù giam vào ngày 24/5. Dù đã phủ nhận mọi liên quan tới vụ việc trên, song tỷ lệ ủng hộ của PP đã tụt dốc không phanh, khiến ông Rajoy đã phải nhường lại vị trí lãnh đạo đất nước cho thủ lĩnh phe đối lập Pedro Sanchez.
Trong khi đó, Chủ tịch của đảng PSOE là nhân vật khá được lòng công chúng, dù mới chỉ tiếp quản vị trí lãnh đạo từ năm 2014. Thừa hưởng những thành quả từ nhiệm kỳ của ông Rajoy, song nhà lãnh đạo cánh tả 46 tuổi này sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức sau khi trở thành Thủ tướng ngày 2/6 vừa qua.
Đầu tiên, PSOE chỉ có 84/350 ghế tại Quốc hội, đồng nghĩa rằng ông Sanchez sẽ dẫn dắt một Chính phủ thiểu số. Điều này sẽ khiến việc thông qua các đạo luật, quyết sách mới tại Hạ viện, nơi PP vẫn chiếm đa số, trở nên khó khăn. Ngoài ra, ông cần tìm giải pháp cho vấn đề bất bình đẳng giới đang có chiều hướng leo thang tại quốc gia này. Cuối cùng, Thủ tướng Sanchez phải tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha, dập tắt phong trào ly khai tại Catalonia, đồng thời tiến hành cải cách, giảm thiểu tình trạng tham nhũng tại xứ sở bò tót.
Về đối ngoại, Tây Ban Nha cần chứng tỏ rằng mình sẽ tiếp tục là một trong các đầu tàu dẫn dắt EU, bên cạnh những Đức, Pháp, đồng thời tham gia tích cực vào các quyết sách kinh tế - đối ngoại của khối. Điều này phụ thuộc không nhỏ vào chính sách đối ngoại của Thủ tướng Pedro Sanchez và Nội các của ông, đặc biệt là Bộ trưởng Tài chính Nadia Calvino, người từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc Cơ quan phân bổ ngân sách của Ủy ban châu Âu (EC). Duy trì và phát huy thành quả đã đạt được, cải thiện những điểm yếu còn tồn tại của Tây Ban Nha sẽ là nhiệm vụ của nhà lãnh đạo 46 tuổi trong nhiệm kỳ bảy năm tới.