Quyết định cấm các tàu du lịch lớn đến trung tâm Venice có hiệu lực từ tháng 8 vừa qua. (Nguồn: AFP) |
Trong một tuyên bố, Bộ Cơ sở hạ tầng Italy cho biết khoảng 30 triệu Euro đã được phân bổ trong năm 2021 cho các công ty vận tải biển để bù đắp cho các chi phí phát sinh do việc “đổi lịch tuyến và hoàn tiền cho những hành khách đã hủy chuyến đi”. Trong khi đó, số tiền còn lại được phân bổ cho các nhà khai thác bến và các công ty liên quan.
Quyết định cấm các tàu du lịch lớn đến trung tâm Venice có hiệu lực từ tháng 8 vừa qua sau nhiều năm có những cảnh báo rằng các "khách sạn nổi" khổng lồ này có nguy cơ gây thiệt hại không thể khắc phục cho thành phố Venice - một di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Quyết định trên được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc họp của UNESCO, tổ chức đã đề xuất bổ sung Venice vào danh sách các di sản có nguy cơ biến mất do sự hoạt động quá mức của các tàu du lịch.
Theo kế hoạch của chính phủ, các tàu du lịch sẽ không bị cấm hoàn toàn đến Venice, nhưng các tàu lớn nhất sẽ không thể đi qua Lòng chảo St Mark, kênh St Mark hoặc kênh Giudecca. Thay vào đó, chúng sẽ được chuyển hướng đến cảng công nghiệp tại Marghera.
Các tàu du lịch đang mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho Venice, nhưng các nhà hoạt động bảo vệ môi trường và người dân thành phố cho rằng những con tàu này góp phần gây ra nhiều vấn đề do "khai thác du lịch quá mức" và những đợt sóng lớn phá hoại nền móng của thành phố, gây hại cho hệ sinh thái mong manh của hệ thống đầm phá tại đây.