Văn hóa làm việc ngoài giờ
Ở phương Tây, có nhiều cuốn sách hướng dẫn bạn làm thế nào để làm việc hiệu quả hơn, do đó bạn có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình hay làm những điều bạn yêu thích.
Trong khi đó, ở Nhật Bản, thậm chí không có một thuật ngữ nào để chỉ sự "cân bằng công việc và cuộc sống" mặc dù có thuật ngữ karoshi để chỉ những cái chết "do làm việc quá sức". Đó được xem như một kết quả tất yếu của văn hóa làm việc không quản mệt mỏi và thường kéo dài hơn 60 giờ mỗi tuần của người Nhật.
Tại đây, mỗi năm có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người chết do làm việc quá sức. Kiyotaka Serizawa là một trong số đó. Tháng 7/2015, chàng thanh niên Serizawa, 34 tuổi, chết sau khi làm việc 90 giờ/tuần tại một công ty bảo trì các tòa nhà chung cư.
Lực lượng lao động Nhật Bản đang lão hóa. (Nguồn: Independent) |
"Các đồng nghiệp của con tôi nói với tôi rằng, họ ngạc nhiên khi thấy con tôi làm việc quá nhiều”, ông Kiyoshi Serizawa, cha của Iyotaka Serizawa cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Nhật Bản có nền văn hóa làm việc chăm chỉ, cống hiến hết mình cho các ông chủ của họ. Đó được xem như là một chuẩn mực của xã hội.
Truyền thống làm việc ngoài giờ bắt đầu vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi mức lương của người lao động Nhật Bản tương đối thấp và họ muốn tối đa hóa thu nhập của mình. Đến những năm bùng nổ kinh tế vào thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, văn hóa làm việc nhiều giờ trong tuần vẫn được duy trì.
Khi xảy ra khủng hoảng kinh tế - tài chính vào cuối những năm 90, các công ty bắt đầu tái cơ cấu. Khi đó, các nhân viên ở lại làm việc ngoài giờ để cố gắng đảm bảo rằng họ không bị sa thải.
Ép buộc hay tự nguyện?
"Trong một môi trường làm việc như ở Nhật Bản, làm thêm giờ luôn luôn tồn tại. Nó gần như là một phần của lịch làm việc. Không ai ép buộc họ nhưng người lao động cảm thấy như thể đó là bắt buộc" - Koji Morioka, Giáo sư danh dự tại Đại học Kansai, đồng thời là thành viên của một ủy ban gồm các chuyên gia tư vấn cho chính phủ về cách chống karoshi cho biết.
Mặc dù tuần làm việc cơ bản là 40 giờ, nhiều người lao động cố tỏ ra vui vẻ với việc làm thêm giờ vì sợ bị đánh giá về tinh thần, thái độ làm việc. Điều này đã dẫn đến khái niệm "làm thêm dịch vụ", mà "dịch vụ" ở đây đồng nghĩa với từ miễn phí, nghĩa là làm việc ngoài giờ không lương.
Số phụ nữ Nhật gặp các vấn đề sức khỏe liên quan đến làm việc quá sức đang tăng lên. (Nguồn: Independent) |
Lịch trình làm việc dày đặc đã dẫn đến hiện tượng karoshi. Số liệu của Bộ Lao động Nhật Bản cho thấy, vào năm ngoái, có 189 trường hợp tử vong do karoshi, mặc dù các chuyên gia cho rằng con số thực tế là hàng ngàn.
Karoshi từ lâu đã được coi là một vấn đề của nam giới nhưng nhiều người cho rằng phụ nữ Nhật Bản cũng đang gặp vấn đề tương tự. "Điều đặc biệt là những người chết vì karoshi đang rất trẻ, thường ở độ tuổi 20" - Hiroshi Kawahito, một luật sư và là tổng thư ký của Ủy ban quốc gia bảo vệ các nạn nhân karoshi cho biết.
Kawahito có người thân là một nhà báo 30 tuổi đã chết vì đau tim. Anh cho biết, không hiếm các trường hợp những người đang ở độ tuổi 30 chết vì đau tim do làm việc quá sức trong khoảng thời gian dài.
Khi một người được xác nhận là chết do karoshi, gia đình của nạn được hưởng bồi thường thông qua một hệ thống trợ cấp cho người lao động. Số lượng các đơn yêu cầu bồi thường vì những cái chết liên quan đến karoshi tăng lên mức cao kỷ lục: 2.310 trường hợp trong năm 2015, theo số liệu của chính phủ Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo anh Kawahito, chưa đến 1/3 các đơn được chấp thuận.
Cái chết được báo trước
Cái chết của Kiyotaka Serizawa đã chính thức được xác nhận là do karoshi vào tháng 7 vừa rồi. Anh là người giám sát xây dựng tại ba địa điểm khác nhau ở phía Đông Bắc của Tokyo.
Với công việc quá áp lực, Kiyotaka đã cố gắng thôi việc một năm trước khi anh qua đời, nhưng ông chủ của Kiyotaka đã từ chối đơn xin nghỉ việc của anh. Bởi thế, anh vẫn tiếp tục công việc của mình.
Đôi khi, trên đường lái xe qua lại giữa các văn phòng, anh dừng lại nghỉ tại nhà của bố mẹ. "Con tôi thường nằm trên ghế và ngủ rất sâu, đến nỗi thỉnh thoảng tôi phải kiểm tra xem tim nó còn đập hay không", mẹ anh - bà Mitsuko Serizawa nói.
Lần cuối cùng bà Mitsuko nhìn thấy con trai mình là tháng 7 năm ngoái, khi anh đến lấy đồ nhờ mẹ giặt hộ vì anh quá bận rộn. Anh đã lưu lại nhà mẹ 10 phút và xem một số video về những chú mèo dễ thương trên điện thoại của mình.
Nhưng sau đó, vào ngày 26/7, Kiyotaka Serizawa bỗng dưng mất tích. Ba tuần sau đó, thi thể của Kiyotaka được tìm thấy trong xe ô tô của anh ở tỉnh Nagano, không xa nơi gia đình anh vẫn thường cắm trại trong các ngày lễ. Kiyotaka đã đốt than trong xe của mình và chết vì ngộ độc khí carbon monoxide.
(còn nữa)...
Đón đọc kỳ II vào 7h00 ngày 4/8.