Ảnh minh họa. |
Kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm ngân sách, giảm chi thường xuyên, cải cách tiền lương.
Đồng thời, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện và kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết, bảo đảm đạt được mục tiêu và hiệu quả, kết quả của công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nội dung kế hoạch gồm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục; rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức.
Bảo đảm đến năm 2021 không tăng tổng biên chế
Kế hoạch nêu rõ, kiên trì chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm đến năm 2021, về cơ bản không tăng tổng biên chế của Bộ, ngành ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương so với biên chế được giao của năm 2015. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc giao nhiệm vụ mới thì Bộ, ngành ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế hiện có.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh; lĩnh vực y tế thành lập mới tổ chức, tăng quy mô giường bệnh..., có thể bổ sung biên chế, nhưng phải quản lý chặt chẽ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.
Cùng với đó là giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến năm 2016. Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước khác ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và từng năm, trong đó phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10% biên chế của từng Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Đẩy mạnh kiêm nhiệm đối với một số chức danh
Theo kế hoạch chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số cán bộ, công chức, viên chức đã ra khỏi biên chế sau khi thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế của cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương.
Hàng năm, giảm 50% số biên chế thuộc diện tinh giản và giảm 50% biên chế của số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương.
Đẩy mạnh thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh của cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã, nhất là kiêm nhiệm đối với các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, bản, tổ dân phố. Khoán kinh phí chi trả phụ cấp để khuyến khích giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách và tăng thu nhập của cán bộ, công chức cấp xã...
B.C