📞

Kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo phát điện cho Bắc Âu

20:12 | 29/03/2017
Châu Âu cần đạt được những tiến bộ to lớn để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai. Các chuyên gia đang đề xuất xây dựng một hòn đảo nhân tạo, trên đó lắp đặt các hệ thống phát điện từ nguồn năng lượng gió.

Nếu châu Âu muốn đáp ứng được các mục tiêu cắt giảm lượng khí CO2 phát thải đã được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi Khí hậu, châu lục này sẽ phải thay đổi cách thức sản xuất và tiêu thụ năng lượng.

Mục tiêu giảm phát thải ở châu lục này rất đáng kể: ví dụ, nước Đức phải giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống 90% vào năm 2050 so với năm 1990. Đức cũng phải tăng khối lượng năng lượng tái tạo lên 80% trong tổng sản lượng năng lượng. Những mục tiêu này đối với nước Đức đã trở nên phức tạp hơn khi châu Âu đang dần giã từ việc sử dụng điện hạt nhân, làm cho áp lực phải tìm nguồn năng lượng tái tạo sạch thậm chí sẽ còn căng thẳng hơn. Châu Âu cần nhanh chóng chuyển sang sử dụng năng lượng sạch nhằm hạn chế những tác động đến môi trường và khí hậu.

Mô hình hòn đảo nhân tạo. (Nguồn: CityLab)

Rất may, châu Âu đã có một số dự án thú vị để khai thác vùng biển đầy gió mạnh xung quanh vùng Bắc Âu.

Một tập đoàn hợp tác giữa Đan Mạch, Hà Lan và Đức do các công ty TenneT và Energinet thành lập đang lên kế hoạch tạo ra một hòn đảo có chu vi 6 km, nằm ở vị trí gần như bằng nhau về khoảng cách giữa Đan Mạch, Na Uy, Anh, Đức và Hà Lan.

Theo kế hoạch, Biển Bắc là nơi có thể xây dựng một quần đảo bao gồm các hòn đảo nhân tạo trong vòng một thập kỷ tới. Chuỗi các hòn đảo nhân tạo mới này sẽ được sử dụng làm nơi phát triển các trạm phát điện sử dụng năng lượng gió.

Hiện đang ở giai đoạn thiết kế, hòn đảo này sẽ hoạt động như một trung tâm phát điện, nằm ở chính giữa một vùng gió rộng lớn, có quy mô chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào khác.

Trên đảo sẽ lắp đặt một giàn tuabin với công suất phát điện từ 70.000-100.000 megawatts. Hòn đảo này sẽ cung cấp điện thông qua tuyến đường cáp mới, kết nối trực tiếp tới các nước xung quanh vùng biển. Các đường dây hiện đang sử dụng cũng có thể hoạt động như một hệ thống kết nối, do đó điện năng dư thừa không cần thiết có thể được bán cho các nước khác trong những thời điểm cần điện phục vụ nhu cầu sản xuất cao.

Theo kế hoạch, hòn đảo này có thể là nơi ở thường xuyên cho con người. Ngoài việc là cơ sở cho các tuabin và đường dây điện, trên đảo có nơi ở cho nhân viên, điều đó sẽ làm cho việc bảo trì rẻ hơn và dễ dàng hơn. Hòn đảo sẽ có cảnh quan rộng rãi hợp lý, với một con đê chắn sóng cao xây bằng đá, một bến tàu quy mô lớn, sân bay và các tòa nhà dịch vụ, và có hồ bơi nước ngọt có cây trồng bao quanh.

Nếu dự án khởi đầu thành công, một chuỗi các hòn đảo nhân tạo khác có thể sẽ được xây dựng tiếp gần đó.

Hệ thống phong điện Array London. (Nguôn: AP)

Việc phát điện chạy bằng sức gió đã phổ biến từ lâu ở khu vực Biển Bắc. Hiện đã có một hệ thống phong điện lớn nhất thế giới có tên Array London ở vùng phía Nam của Biển Bắc. Tuy nhiên, với công suất 630 megawatts, dự án này chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khu vực.

Tuy có vị trí xa xôi, hòn đảo có thể được xây dựng với ít khó khăn hơn dự kiến. Đó là bởi vì người ta chọn vị trí xây dựng đảo trên dải Dogger Bank, một dải cát ngầm nằm ở vùng nước nông ngoài khơi bờ biển phía Đông của nước Anh.

Kế hoạch xây dựng đảo phát điện có quy mô lớn này nhằm đáp ứng nhu cầu điện của châu Âu. Châu lục này hầu như không thể đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris nếu chỉ mở rộng hệ thống phát điện của mình bằng nguồn năng lượng tái tạo. Châu Âu cần một sự chuyển đổi tổng thể. Ví dụ, theo một nghiên cứu gần đây, ước tính rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đóng cửa tất cả các nhà máy điện đốt than vào năm 2030 để đạt được các mục tiêu về kiềm chế lượng phát thải CO2 - một quá trình đang được tiến hành.

Các loại năng lượng sạch có thể thay thế than không phải là những thứ mà các quốc gia riêng lẻ có thể tạo ra dễ dàng, và điều cần thiết là tất cả các trạm sản xuất năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió phải được tích hợp đầy đủ vào hệ thống kết nối cho cả khu vực, nghĩa là điện năng có thể được sử dụng tại những vùng rất xa nơi chúng được tạo ra.

(theo CityLab)