Ký kết nghĩa giữa các xã Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ (Mèo Vạc), Hà Giang và trấn Điền Bồng, Phú Ninh (Trung Quốc) năm 2016. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Hà Giang) |
Vun đắp mối quan hệ truyền thống
Kể từ khi hai nước Việt Nam-Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, tỉnh Hà Giang đã thiết lập quan hệ, triển khai giao lưu, hợp tác toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực với Vân Nam và Quảng Tây, đạt được nhiều kết quả đáng kể, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển, ổn định tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây.
Với đặc thù là một tỉnh vùng cao, biên giới, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn chú trọng việc vun đắp và giữ gìn mối quan hệ truyền thống, gắn bó giữa nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là cư dân biên giới với nhân dân nước láng giềng thông qua nhiều mô hình và hoạt động thiết thực, trong đó nổi bật là mô hình kết nghĩa giữa các cụm cư dân biên giới hai bên.
Tính đến nay, tỉnh Hà Giang đã tổ chức cho 3 huyện biên giới kết nghĩa hữu nghị với 3 huyện phía Trung Quốc gồm huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) và huyện Mã Quan (tỉnh Vân Nam), huyện Mèo Vạc và huyện Phú Ninh (tỉnh Vân Nam), huyện Mèo Vạc và huyện Nà Pô (Quảng Tây); đã tổ chức thành 14 cụm cho 34/34 xã, thị trấn biên giới kết nghĩa hữu nghị với 11 hương/trấn của phía Trung Quốc.
Theo nội dung ký kết, hai bên sẽ cùng nhau tuyên truyền, giáo dục nhân dân xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống của hai Đảng, hai Nhà nước, hai địa phương và truyền thống tốt đẹp của các thân tộc, dòng học vốn có từ lâu đời.
Hai bên thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn, cùng bảo vệ môi trường sinh thái, giúp nhau khắc phục thiên tai, phòng chống cháy rừng và dịch bệnh; thường xuyên giao lưu, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc; giáo dục nhân dân chấp hành nghiêm ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc; không tham gia và không tiếp tay cho các loại tội phạm qua biên giới.
Nhân dân hai bên phối hợp triển khai Thỏa thuận về quản lý lao động qua biên giới đã ký giữa tỉnh Hà Giang với châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (tháng 12/2014) và thành phố Bách Sắc, Quảng Tây (tháng 2/2017), tạo điều kiện cho cư dân biên giới qua lại giao lưu, làm ăn, mua bán, trao đổi hàng hóa hợp pháp…
Hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau
Từ sau khi ký kết nghĩa, các xã/hương/trấn biên giới, hai bên đã chủ động, tích cực triển khai các nội dung đã ký, thu được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, hai bên đã cùng nhau tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa của việc ký kết nghĩa, tuyên truyền ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc; thường xuyên tổ chức gửi thư thăm hỏi nhân các dịp lễ tết, mời nhau tham dự các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của phía mình,…
Đặc biệt, nhân dân hai bên còn thường xuyên hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế như giúp đỡ về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho năng suất, chất lượng cao, giúp đỡ nhau trong tiêu thụ sản phẩm…
Từ năm 2014 đến nay, Hà Giang đã đưa được hơn 2.000 lượt lao động là cư dân các huyện biên giới sang làm việc theo Thỏa thuận tại các huyện biên giới của châu Văn Sơn (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), góp phần giảm thiểu số lượng lao động tự do, lao động thời vụ tại khu vực biên giới, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Có thể nói, mô hình kết nghĩa giữa cụm cư dân biên giới hai bên là mô hình thiết thực, hiệu quả, sáng tạo và là điểm sáng trong công tác Đối ngoại nhân dân của tỉnh Hà Giang.
Mô hình này không những vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa cư dân hai bên biên giới ngày càng bền chặt, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng và duy trì khu vực biên giới hòa bình, ổn định và phát triển theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Hội nghị công tác giáo dục giữa 4 tỉnh biên giới của Việt Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). (Nguồn: Sở Ngoại vụ Hà Giang) |
Trao đổi đào tạo các cấp
Hợp tác giáo dục cũng được xem là một điểm sáng trong hợp tác giữa tỉnh Hà Giang và tỉnh Quảng Tây.
Những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng và Chính quyền hai địa phương tỉnh Hà Giang và tỉnh Quảng Tây, các cấp, các ngành hai bên đã tích cực kết nối và triển khai được nhiều hợp tác cụ thể, thực chất, trong đó nổi bật nhất phải kể đến hợp tác về giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng.
Bắt đầu từ năm 2011, phía Quảng Tây định kỳ hằng năm cung cấp trên 10 suất học bổng toàn phần (gồm phí kí túc xá, học phí, sinh hoạt phí) cho học sinh, cán bộ tỉnh Hà Giang đến học tại các trường đại học của Quảng Tây.
Tính đến nay, Hà Giang đã liên tục cử 129 học viên (gồm 108 hệ Đại học, 20 hệ Thạc sĩ, 1 hệ đào tạo nghề) đến học tập tại các trường đại học khắp các thành phố của Quảng Tây như Nam Ninh, Liễu Châu, Quế Lâm, Khâm Châu, Ngô Châu, Bách Sắc…
Đối tượng học sinh được tuyển chọn từ tất cả các huyện/thành phố trong tỉnh, ưu tiên các em học sinh có thành tích học tập tốt, ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, có năng khiếu về ngoại ngữ, chuyên ngành học chủ yếu gồm quản lý du lịch, quản lý hành chính, y khoa, nghệ thuật, quản lý kinh tế, thương mại quốc tế, Hán ngữ, khoa học môi trường, quản lý giáo dục, công trình kiến trúc…
Các cán bộ được cử đi học Thạc sĩ là cán bộ thuộc các sở, ngành, văn phòng UBND các huyện, giáo viên các trường trung học trên địa bàn tỉnh, chuyên ngành chủ yếu về quản lý hành chính, quản lý nông nghiệp, quản lý giáo dục, tiếng Hán...
Đáp lại thiện chí của phía tỉnh bạn, bắt đầu từ năm 2018, Hà Giang đã quyết định cung cấp cho thành phố Bách Sắc, Quảng Tây mỗi năm 2 suất học bổng toàn phần hệ Đại học đến học tiếng Việt tại Trường Đại học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học quốc gia Hà Nội. Tính đến nay, phía Bách Sắc đã cử 6 sinh viên sang theo học Chương trình học bổng này.
Bên cạnh đó, thực hiện “Thỏa thuận về hợp tác đào tạo cán bộ giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Đảng Cộng sản Việt Nam và Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc”, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Hà Giang đã tổ chức nhiều đợt cán bộ lãnh đạo, công chức với khoảng hơn 70 người sang tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tại thành phố Bách Sắc, Quảng Tây theo nhiều chuyên đề khác nhau.
Có thể nói, hợp tác giáo dục, đào tạo những năm qua đã thực sự trở thành điểm sáng trong giao lưu, hợp tác giữa tỉnh Hà Giang và Quảng Tây. Việc hai bên cung cấp các suất học bổng và tổ chức lớp đào tạo bồi dưỡng cho nhau đã thể hiện thiện chí và tinh thần thúc đẩy giao lưu, hợp tác thực chất giữa hai bên.
Thông qua các chương trình này, về lâu dài, hai bên sẽ có được nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng, phục vụ cho giao lưu hữu nghị và hợp tác toàn diện trong tương lai.