Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 47 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đăng cai tổ chức tại TP. Đà Nẵng đã đón tiếp Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh và gần 200 lãnh đạo, chuyên gia ngân hàng từ 10 quốc gia thành viên ASEAN và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG). Không chỉ tham dự đông đủ, 10 hiệp hội ngân hàng các nước ASEAN đều cam kết tăng cường hợp tác, kết nối.
Xây dựng hệ sinh thái tài chính số ASEAN
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định, qua 50 năm hình thành và phát triển, tới nay ASEAN đã được nhìn nhận là một khu vực kinh tế tự cường. Với việc thành lập AEC vào tháng 12/2015, ASEAN hiện nay được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới với GDP hiện tại là 2.600 tỷ USD và là thị trường lớn thứ ba với tổng dân số 640 triệu người. ASEAN chiếm 7% thương mại toàn cầu vào năm 2016.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 47. (Ảnh: Bùi Liên) |
Trong đó, gần ¼ giá trị thương mại của ASEAN là trong khu vực. Khu vực này cũng đã duy trì vị trí của mình trong số các điểm đến đầu tư được ưa chuộng, thu hút 5,5% dòng chảy FDI toàn cầu trong cùng năm 2016. Các mối liên kết đầu tư trong khu vực được duy trì mạnh mẽ với kế hoạch đầu tư trong khu vực ASEAN chiếm ¼ tổng lượng FDI.
Tổng Thư ký ASEAN đã nhấn mạnh rằng trong khuôn khổ Kế hoạch Tổng thể xây dựng ASEAN 2025, tiền đề hình thành AEC 2015 đã xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược 2016 – 2015, nêu bật ba trụ cột chính: hội nhập tài chính, tài chính bao trùm và ổn định tài chính. Theo đó, hội nhập tài chính được hướng dẫn bởi Khuôn khổ Hội nhập Ngân hàng ASEAN (ABIF) và đối với tài chính bao trùm là Khuôn khổ Tài chính bao trùm ASEAN. Tài chính toàn diện số được coi là tiền đề quan trọng cho sự phát triển này.
Nhận thấy được cả lợi ích và thách thức đến từ công nghệ trong tài chính (FinTech) và số hóa, Văn bản hướng dẫn về Dịch vụ tài chính số đang được xây dựng và sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các quốc gia thành viên ASEAN để xây dựng và nâng cao hệ sinh thái tài chính số ở cấp quốc gia. Văn bản hướng dẫn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các giao dịch không dùng tiền mặt và chỉ ra những yếu tố chính tạo ra môi trường pháp lý cho các dịch vụ tài chính số nhằm đáp ứng sự phát triển của công nghệ số và các đổi mới tài chính trong khu vực.
Cầu nối giữa các nền kinh tế trong khu vực
Tổng Thư ký ASEAN cho biết, ASEAN đã trở thành một thực thể kinh tế quan trọng trên thế giới với kỳ vọng mở rộng tiềm năng và đóng vai trò là một nhân tố quan trọng, có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Những thành tựu và dấu mốc quan trọng đã đạt được là tiền đề để ASEAN quyết tâm hơn trong cam kết theo đuổi hội nhập kinh tế khu vực, trong đó hội nhập tài chính đóng vai trò then chốt trong quá trình này.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kêu gọi các ngân hàng ASEAN tiếp tục tăng cường cam kết, hợp tác nhằm thúc đẩy hội nhập tài chính và hình thành sự kết nối hiệu quả với khối tư nhân trong khu vực. Nhìn tổng thể, ASEAN hứa hẹn trở thành một điểm sáng được tạo thành bởi tinh thần thống nhất và hợp tác bền vững. Mục tiêu này đã được thể hiện tại cam kết của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trong việc xây dựng một cộng đồng thông qua việc tăng cường kết nối về thương mại, đầu tư và nguồn nhân lực.
Vai trò của ngành ngân hàng trong khu vực ASEAN càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi các ngân hàng sẽ vừa phải đảm nhiệm trọng trách làm cầu nối trong các nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới, vừa phải đảm bảo rằng lĩnh vực ngân hàng tiếp tục hoạt động trên cơ sở lành mạnh, quản trị tốt và bền vững để đối phó với các rủi ro tiềm tàng.
Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hợp tác chặt chẽ giữa các hiệp hội ngân hàng thành viên vì mục tiêu chung của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN. Điều này nhằm đáp ứng với bối cảnh ngành ngân hàng khu vực và thế giới đang trong giai đoạn thay đổi nhanh chóng dưới tác động của cuộc CMCN 4.0 và xu thế hội nhập.
ASEAN hứa hẹn trở thành một điểm sáng được tạo thành bởi tinh thần thống nhất và hợp tác bền vững. (Ảnh: Bùi Liên) |
Một chu kỳ tăng trưởng mới trong ngành ngân hàng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết: làm thế nào để liên kết, sử dụng lợi thế của nhau… để đưa ra nhiều phương thức cung cấp dịch vụ mới, sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; làm thế nào để đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao, phù hợp với kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và yêu cầu quản trị rủi ro trong môi trường kinh doanh nhiều biến động.
Gần đây, trong Khuôn khổ Hội nhập Ngân hàng ASEAN (ABIF) đã đạt được thỏa thuận song phương giữa Indonesia và Malaysia. Ngoài ra, các cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa Malaysia và Philippines về sáng kiến Ngân hàng đạt chuẩn khu vực ASEAN (QAB). Đây sẽ là những bước tiến thúc đẩy phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế trong khu vực dựa trên các nguyên tắc toàn diện, minh bạch và chia sẻ hợp tác vì lợi ích của toàn thể công dân ASEAN. Trong bối cảnh này, các ngân hàng đã tập trung nhiều hơn cho việc xây dựng năng lực ở tất cả các lĩnh vực để đáp ứng được với những thách thức đặt ra.
Với sự phục hồi mạnh mẽ của các thị trường mới nổi và tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế phát triển đang được củng cố bởi đà tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019, Phó Giám đốc định chế tài chính Moody’s Gene Fang nhận định, các chỉ số tín dụng quan trọng đối với các hệ thống ngân hàng ASEAN, nhìn chung được đánh giá từ ổn định đến tích cực. Trong đó, triển vọng ngân hàng Việt Nam được đánh giá tích cực trong bối cảnh tăng trưởng và đổi mới kinh tế lành mạnh.