Researcher Links 2015 do Hội đồng Anh phối hợp tổ chức cùng Đại học Bách Khoa Hà Nội và Dự án Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp (VIIP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại học Newcastle, Vương quốc Anh.
Xử lý và tái chế kim loại từ rác thải điện tử, sử dụng công nghệ sinh khối cho mục đích năng lượng và kiểm soát các yếu tố về môi trường, vật liệu nano thân thiện môi trường phục vụ lưu trữ năng lượng sinh hóa bền vững, xử lý rác thải tại Hà Nội, các hợp chất thiên nhiên và công nghệ sinh học – đây là một số chủ đề nóng trong những nghiên cứu được trình bày tại Researcher Links 2015 bởi các nhà khoa học trẻ đến từ Anh và Việt Nam với mục tiêu phát triển đối tác nghiên cứu quốc tế theo sáng kiến Researcher Links.
Hội thảo “Kết nối các nhà khoa học trẻ” 2015 tại Việt Nam còn thu hút các nhà khoa học đến từ các tổ chức nổi tiếng trên thế giới như trường Đại học Newcastle, Đại học York, Đại học Leicester, Đại học City London, Đại học Strathclyde, Học viện Công nghệ Tokyo và các trường đại học hàng đầu Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đại học Xây dựng. Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của Tiến sỹ Christopher Jones đến từ tập đoàn Edwards (Anh). Edwards hiện là tập đoàn hàng đầu về phát triển công nghệ và sản xuất máy hút chân không tinh vi và các giải pháp xử lý chất thải.
Researcher Links 2015 lần đầu tiên giới thiệu Quỹ Newton, một sáng kiến mới nằm trong chương trình hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ cho Việt Nam của Vương quốc Anh. Quỹ Newton tài trợ cho hoạt đông nghiên cứu và đổi mới trong các lĩnh vực: sức khỏe và khoa học đời sống, cải thiện phục hồi môi trường và an ninh năng lượng, thành phố tương lai và khoa học xã hội, nông nghiệp, đổi mới và sáng tạo kỹ thuật số. Là một trong 10 tổ chức tại Anh được lựa chọn triển khai quỹ Newton, Hội đồng Anh sẽ vận hành quỹ Newton tại Việt Nam với phạm vi hơn 3 triệu bảng Anh trong thời gian 2014-2018.
Bên cạnh đó, đại diện từ dự án VIIP Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng giới thiệu tới các nhà khoa học trẻ cơ hội tiếp cận những nguồn vốn hỗ trợ thực hiện nghiên cứu khoa học trong những lĩnh vực ưu tiên của VIIP.
Researcher Links 2015 khai mạc với đối thoại chính sách với chủ đề “Đổi mới và Sáng tạo: Hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh”. Tham dự đối thoại, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Tiến sỹ Phạm Hồng Quất nhấn mạnh vai trò của đổi mới kỹ thuật hóa học trong phần trình bày về Những ưu tiên của chính phủ Việt Nam trong việc phát triển công nghệ hiện đại phục vụ phát triển bền vững. Đối thoại chính sách cũng so sánh những nghiên cứu điển hình tại Vương quốc Anh và Việt Nam về ứng dụng công nghệ và phát triển.
Qua các ngày hội thảo, các nhà khoa học trẻ có cơ hội giới thiệu những nghiên cứu của mình và thảo luận các ý tưởng hợp tác nghiên cứu. Những ý tưởng hợp tác này sẽ được cụ thể hóa trong các hồ sơ nộp cho chương trình Researcher Links để có cơ hội nhận gói hỗ trợ tài chính cho việc trao đổi hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Gói hỗ trợ dành cho các nhà khoa học Anh tới Việt Nam và từ Việt Nam tới Anh trong thời gian tối đa 3 tháng. Năm 2014, 21 nhà khoa học trẻ Việt Nam đã nhận hỗ trợ tài chính và thực hiện dự án hợp tác nghiên cứu tại Vương quốc Anh.
Bà Cherry Gough, Giám đốc Quốc gia, Hội đồng Anh Việt Nam cho biết: “Với giá trị tiền mặt 4,6 tỉ bảng Anh đầu tư mỗi năm cho các chương trình khoa học và nghiên cứu, Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ các nhà khoa học, nhà phát triển, nhà đổi mới và doanh nghiệp cùng chia sẻ kiến thức, kỹ năng, nguồn lực kỹ thuật và tài chính”.
Chủ đề “Đổi mới kỹ thuật hóa học hướng tới bảo vệ môi trường” là ưu tiên của nhiều quốc gia, trong đó có Vương quốc Anh và Việt Nam. Hội thảo Researcher Links 2015 là cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam và Anh trao đổi thông tin mới nhất về công nghệ và cộng tác trong các dự án nghiên cứu mới để giải quyết các vấn đề môi trường và năng lượng. Riêng đối với các nhà khoa học trẻ từ Anh, tôi tin rằng những mối kết nối mới và cơ hội học tập từ thực tiễn ở Việt Nam sẽ giúp họ thu nhận nhiều ý tưởng mới để phát triển định hướng nghiên cứu”.
P.V