Kết quả sơ bộ bầu cử Italy cho thấy liên minh trung hữu do đảng FdI của bà Giorgia Meloni đã giành chiến thắng. (Nguồn: Reuters) |
Các kết quả sơ bộ mới nhất của bầu cử Italy ngày 25/9 vừa qua cho thấy liên minh trung hữu, bao gồm đảng Anh em Italy (FdI) của bà Giorgia Meloni, đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini và đảng Tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã giành được 43% số phiếu và nắm đa số ghế tại cả Hạ viện và Thượng viện, dù không đủ 2/3 số ghế để có thể sửa đổi Hiến pháp.
Trong khi đó, Đài Phát thanh và Truyền hình nhà nước RAI (Italy) cho biết, liên minh trung hữu có khả năng giành được 227-257/400 ghế tại Hạ viện và 111-131/200 ghế Thượng viện.
Đảng Dân chủ đứng đầu liên minh trung tả, có khả năng giành được gần 20% số phiếu, đã thừa nhận thất bại và nói rằng họ sẽ dẫn đầu phe đối lập trong quốc hội mới, cùng với đảng Phong trào 5 sao (M5S).
Phát biểu sau khi tuyên bố chiến thắng tại Rome, bà Meloni đã thẳng thắn thừa nhận thách thức nghiêm trọng phía trước. Bà nhấn mạnh nếu được trao nhiệm vụ, liên minh trung hữu sẽ nỗ lực vì lợi ích và gắn kết người dân.
Nếu kết quả sơ bộ là chính xác, bà Meloni sẽ trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy kể từ khi thống nhất năm 1861. Rome cũng sẽ có chính phủ thiên hữu nhất kể từ sau Thế chiến II.
Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ Italy, tỷ lệ cử tri đi bầu trong cuộc tổng tuyển cử lần này là 63,95%, mức thấp nhất từ trước đến nay và thấp hơn khoảng 9% so với 73,01% số cử tri đi bầu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018.
Giới phân tích đánh giá bà Meloni đã làm tốt khi xây dựng hình ảnh bảo thủ cho liên minh trung hữu, tuyên bố tách giá khí đốt và điện, đồng thời nêu khả năng tự cung tự cấp, chuyển sang năng lượng hạt nhân để hạ nhiệt giá năng lượng ở Italy.
Sau khi có kết quả bầu cử chính thức, các nhà lập pháp sẽ bầu Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện khi Quốc hội mới họp lần đầu tiên ngày 13/10. Sau đó, lãnh đạo đảng sẽ bắt đầu tham vấn Tổng thống Sergio Mattarella về đề cử Thủ tướng. Người được đề cử sẽ cung cấp danh sách thành viên Nội các để thông qua Tổng thống phê duyệt và Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.