📞

Khả năng thắng cử của bà Merkel rất cao

10:13 | 17/09/2017
Nếu không có bất ngờ lớn, Thủ tướng Đức đương nhiệm Angela Merkel sẽ tiếp tục được bầu nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp, trở thành một trong số ít những nhà lãnh đạo Đức kéo dài 4 nhiệm kỳ liên tục. 

Dạn dày với "sóng gió"

Ngày 24/9 tới đây, bà Angela Merkel đánh cược sự nghiệp chính trị khi tiếp tục chạy đua vào chức Thủ tướng Đức mà “người đàn bà thép” của nước Đức đã nắm quyền từ năm 2005. 

Bà Merkel đã cùng nước Đức trải qua nhiều sóng gió.

Câu hỏi được đặt ra là làm sao có thể kéo dài nhiệm kỳ lâu như vậy trong một thế giới luôn có sự biến động khôn lường. Thực tế, Thủ tướng Merkel đã phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 mà theo đánh giá thì đây là một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của châu Âu và đe dọa sự “tồn vong” của đồng Euro, đồng thời phải đối phó với việc nổi lên của chủ nghĩa dân túy trên khắp thế giới và đặc biệt là tại châu Âu trong khi nước Anh đã quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). 

Mặt khác, bà Angela Merkel đã phải hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề ngay tại nước Đức vào năm 2010, thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Dư luận cũng đặt ra câu hỏi làm thế nào mà bà Merkel có thể dành cả thời gian và tiền bạc cho các quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Italy… trong khi người Đức phải vật lộn với những khó khăn của cuộc khủng hoảng và sức mua bị chững lại. Ngay cả chính sách tiếp nhận một loạt người tị nạn đã gây ra một bất ngờ lớn và điều này tạo ra một nguy cơ lớn đối với bà Merkel xét trên khía cạnh chính trị. 

Mặc dù có rất nhiều tranh cãi về bà Merkel song điều không thể bàn cãi chính là thành tựu kinh tế của Đức - một yếu tố vô cùng quan trọng - dưới sự chèo lái của bà Merkel. Do vậy, bà Merkel không bị mất đi sự ủng hộ của đại đa số người dân Đức. 

Ngay từ đầu những năm 2000, Đức đã phải đối phó với sự tăng trưởng trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp cao. Nước Đức có tỷ lệ thâm hụt công đáng lo ngại và điều này không tôn trọng hiệp ước về sự ổn định, được coi là điều kiện tiên quyết do chính Đức áp đặt để chấp nhận quá trình xây dựng đồng tiền chung. Đây chính là bối cảnh nước Đức khi bà Merkel lên nắm quyền. 

Sau khi trở thành người đứng đầu chính phủ, ban đầu bà Merkel tiếp tục kế thừa phần nào chính sách của những người tiền nhiệm và đã thu được kết quả nhất định nhờ vào các doanh nghiệp Đức ở nước ngoài. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã đến rất nhanh kể từ năm 2009 khi Ngân hàng Đức, Deutsche Bank - một trong 2 ngân hàng lớn nhất của nước này, phải đối mặt với những khó khăn kép rất nghiêm trọng do vướng vào các vụ bê bối khác nhau và một loạt khó khăn chồng chất về cách thức mà ngân hàng này vận hành các hoạt động của mình kể từ nhiều năm. Ngân hàng này đã bị vạch trần về những vụ việc tham nhũng, rửa tiền và liên quan trực tiếp tới cuộc khủng hoảng Hy Lạp. 

Ngay sau đó vào 2010-2011, bà Merkel có bước đi mang tính đột phá. Đó chính là những sự lựa chọn mang tính thực dụng hơn nhiều. Bà đã giải quyết từng trường hợp phù hợp với những đòi hỏi cấp bách và những khó khăn đã được nhận diện. Từ đó, sự hồi phục kinh tế đã bắt đầu có kết quả và điều này đã gây ấn tượng mạnh. 12 năm sau, tình hình kinh tế Đức đã thay đổi rất lớn so với năm 2005 - thời điểm bà Merkel lên nắm quyền. Vào năm 2016, tất cả những chỉ số kinh tế đều tốt đẹp đối với nước Đức. Berlin đã đạt kỷ lục về thặng dư thương mại vào năm 2016. Với trên 297 tỷ USD, Đức đã vượt kỷ lục thặng dư của Trung Quốc vào năm 2015. Con số thặng dư này chiếm 8,5% của GDP, một kỷ lục nữa.

Bà Merkel vẫn rất được lòng người dân Đức. (Nguồn: AP)

Công lao không thể phủ nhận

Một yếu tố khác thêm vào bảng thành tích của bà Merkel đó là sự phục hồi tiêu dùng. Từ lâu, đây chính là một trong những yếu kém của nền kinh tế Đức, vốn quá phụ thuộc vào xuất khẩu. Yếu kém này giải thích nguyên nhân chủ yếu của sự suy giảm tăng trưởng vào năm 2009 (-5,5%), cao hơn cả Mỹ và Pháp ở cùng năm này.

Nhờ vào sự phục hồi tài chính công, sau đó thặng dư ngân sách kể từ 2014, đã hỗ trợ rất lớn cho tiêu dùng. Nước Đức đã chi tiền cho các chương trình về sự hội nhập của người tị nạn vào năm 2015, 2016 và còn áp đặt một mức lương tối thiểu vào tháng 1/2015. Kết quả là không chỉ tiêu dùng trong nước được phục hồi trong nhiệm này của bà Merkel mà tăng trưởng cũng cho thấy sự chắc chắn. Sau khi có sự sụt giảm GDP hơn 5% vào năm 2009 do cuộc khủng hoảng tài chính, tăng trưởng kinh tế đã vượt 3,5% vào năm 2010 và 2011 trước khi duy trì ổn định khoảng 0,5% vào năm 2012 và 2013 và vượt lên 1,5% vào 2014. Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp hiện chỉ còn 4,3% trong bối cảnh nền kinh tế Đức gần như đầy việc làm. Trong khi tỷ lệ này là 11% ở thời điểm bà Merkel lên nắm quyền. Trong khi đó, tại Pháp, tỷ lệ thất nghiệp 8% năm 2005 và tăng lên 10% năm 2016. 

Tuy nhiên, những kết quả tốt đẹp này trong lĩnh vực kinh tế không thể che đậy một số yếu tố khó lường và đây chính là những thách thức đối với nhiệm kỳ sắp tới của bà Merkel nếu như bà không muốn nhiệm kỳ thứ 4 giống như trường hợp của người tiền nhiệm Konrad Adenauer và Helmut Kohl. Chắc chắn tăng trưởng là động lực nhưng kể từ năm 2012, mức tăng trưởng Đức thấp hơn Mỹ và Anh và có thể điều này là do sự yếu kém trong đầu tư. Thu nhập đầu người đã tăng do động lực của tiêu dùng nhưng còn thiếu sự bền vững. Thu nhập đầu người giảm vào năm 2012 và 2015 dưới mức của năm 2008 (46.890USD) và chỉ đạt 41.902 USD vào năm 2016. 

Dù vậy, tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát và không kéo theo những đòi hỏi lớn của những người hưởng lương, các công đoàn và những đảng phái đối lập do giá cả vẫn tương đối thấp và cuộc sống không đắt đỏ bằng những nơi khác tại châu Âu. Tuy nhiên, đây cũng có thể trở thành những nguy cơ kinh tế chủ yếu của nhiệm kỳ Thủ tướng tiếp theo của bà Merkel, vì chỉ cần giá cả gia tăng là sẽ kéo theo giảm sức mua và tiêu dùng. Nếu kịch bản này diễn ra, thành tựu kinh tế của bà Merkel sẽ bị phá hỏng. 

(theo iris-france.org)