📞

Khả năng xuất hiện liên minh Trung Quốc - Iran

08:29 | 21/09/2018
Tháng 8/2018, Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Rõ ràng, các biện pháp trừng phạt nhằm gây áp lực tối đa đối với nền kinh tế vốn khó khăn của nước này - dọn đường cho khả năng thay đổi chế độ ở Iran.

Tháng 8/2018, Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Lệnh trừng phạt được áp dụng đối với nhiều lĩnh vực, từ vàng và các kim loại quý, sản xuất ô tô, than chì, nhôm, thép, than đá, phần mềm và có lẽ tồi tệ nhất trong tất cả là các hoạt động giao dịch liên quan đến đồng nội tệ Rial của Iran. Các biện pháp trừng phạt đó đã bắt đầu có những tác động đến Iran là điều có thể dễ dàng nhận thấy.

Khởi đầu khó khăn của Iran

Rõ ràng, các biện pháp trừng phạt nhằm gây áp lực tối đa đối với nền kinh tế vốn khó khăn của nước này - dọn đường cho khả năng thay đổi chế độ ở Iran.

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. (Nguồn: AFP)

Đồng Rial sụt giá mạnh đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia lớn thứ hai Trung Đông này . Đồng tiền quốc gia đã mất nửa giá trị kể từ đầu năm, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của người dân nghèo và làm giảm sức mua. Các loại thuốc nhập khẩu tăng giá gần gấp rưỡi và vẫn tiếp tục tăng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc tại các nhà thuốc nói chung.

Việc hủy các chuyến bay thẳng đến Tehran của các hãng Hàng không Air France, KLM Royal Dutch Airlines và British Airways cũng khiến cho bầu không khí thêm "ngột ngạt". Và tình trạng bị quốc tế cô lập hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến Chính phủ mà cả người dân Iran.

Đây chỉ là sự khởi đầu của những khó khăn. Các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ có hiệu lực vào tháng 11 tới. Mặc dù Ấn Độ bày tỏ ý định tiếp tục mua dầu của Iran, song việc Mỹ đe dọa sẽ đưa xuất khẩu dầu của Iran trở về con số không cần được xem xét một cách nghiêm túc, liệu đó có phải là một dấu hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng hành động quyết liệt chống lại chế độ ở Iran hay không. Điều này khiến Iran phải đẩy mạnh nỗ lực thuyết phục các bên còn lại tham gia ký Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran, giữ cam kết của họ và vượt qua các lệnh trừng phạt phát sinh của Mỹ.

Tuy nhiên, dấu hiệu từ khu vực tư nhân có vẻ xấu đi, với một loạt công ty chính của châu Âu dã rút khỏi Iran. May cho Iran và bất chấp sức ép của Mỹ, dường như Trung Quốc sẽ không thay đổi đáng kể quan hệ thương mại của họ với Iran - ngay cả sau khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt chống Iran.

Trung Quốc - Iran hay Iran – châu Âu

Iran vẫn là một thành phần quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Bắc Kinh không thể hy sinh các hành lang thương mại có tiềm năng sinh lợi ở vùng đất cao nguyên Iran, chỉ để xoa dịu Washington.

Một sự kết nối với Iran qua Trung Á cũng tạo cơ hội để tiếp tục tiếp cận dầu mỏ của Iran trong trường hợp ít có khả năng xảy ra, đó là Eo biển Hormuz bị Mỹ đóng cửa. Tiếp tục buôn bán với Iran cũng mang lại cho Trung Quốc cơ hội để thể hiện sức mạnh kinh tế và chính trị của họ.

Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại lớn trong mối quan hệ thân thiết hơn của Iran với Trung Quốc. Tehran có lý do phải do dự khi giao dịch với Bắc Kinh, vì Trung Quốc đã trở thành một cường quốc đang nổi lên và luôn sẵn sàng biến các dự án phát triển và suy thoái kinh tế thành những cơ hội mở rộng quyền lực của Trung Quốc ra bên ngoài - từ Sri Lanka cho tới Djibouti.

Sự lo ngại của Tehran sẽ tập trung vào ý định của Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự tại Afghanistan, nơi Iran coi là thuộc phạm vi ảnh hưởng của họ, bất chấp sự có mặt của lực lượng quân sự quốc tế ở nước này.

Liệu Trung Quốc có lợi dụng vị thế thương lượng yếu của Iran hay không vẫn đang được xem xét, nhưng những bài học rút ra từ việc Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài thông qua BRI chắc chắn sẽ khiến Tehran phải tạm ngừng lại để suy nghĩ.

Ngoài ra, nếu Tehran định chìa tay ra với Trung Quốc về lâu dài hơn, họ có một chặng đường dài để thuyết phục người dân rằng các sản phẩm của Trung Quốc cũng "tốt" như của các đối tác châu Âu và Mỹ.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau hồi tháng 5/2018. Iran được cho là có thể bắt tay với Trung Quốc khi chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ở Iran được thể hiện chủ yếu thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng. Bí quyết công nghệ của Trung Quốc đã xây nên và tiếp tục xây nên, các hệ thống giao thông công cộng, mạng lưới đường sắt và cơ sở hạ tầng công nghiệp trên khắp cả nước. Tuy nhiên, việc thuyết phục người dân Iran rằng, khả năng đó có thể được chuyển giao sang lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng vẫn là một trận chiến khó khăn đối với Trung Quốc.

Mặc dù bị cô lập và tình trạng kinh tế khó khăn, Iran là một xã hội tiêu dùng phát triển, nơi có rất nhiều thương hiệu sản phẩm nổi tiếng. Các mặt hàng tiêu dùng của Trung Quốc, như điện thoại di động của Huawei hay Xiaomi, đã liên tục thất bại trong việc thu hút sự quan tâm của người Iran theo cách mà các công ty như Apple đã làm.

Nếu các biện pháp trừng phạt được siết chặt và đồng Rial tiếp tục mất giá, chính phủ Iran sẽ phải có những nỗ lực hạ bớt tiêu chuẩn và kỳ vọng của người tiêu dùng hoặc đảm bảo rằng, hàng hóa Trung Quốc cũng có chất lượng tương tự như của châu Âu và Mỹ.

Tất cả điều này vẫn phụ thuộc vào việc JCPOA có đổ vỡ hay không. Nếu Tehran có thể thuyết phục các chính phủ châu Âu duy trì các công ty của họ kinh doanh ở Iran, thì nhu cầu quay sang Trung Quốc sẽ giảm đáng kể. Mặt khác, nếu thỏa thuận hạt nhân Iran sụp đổ, chúng ta có thể chắc chắn rằng, liên minh Iran với Trung Quốc sẽ là mấu chốt trong việc xác định sự ổn định trong tương lai của nền kinh tế và hệ thống chính trị ở Iran.

(theo Eastasiaforum)