📞

“Khác nhau không có nghĩa là xấu”

20:00 | 11/02/2016
Ngày xuân năm mới, tại một quán bia hơi bình dân trên vỉa hè phố cổ Tạ Hiện (Hà Nội), phóng viên TG&VN đã có cuộc trò chuyện với một số người nước ngoài đang sống ở Việt Nam về văn hóa Việt.

Anh James Godber, một người Anh sống và làm việc tại Việt Nam đã sáu năm, nhận xét cuộc sống ở Hà Nội thật đa dạng, có cả cái mới và cái cũ đan xen. Anh thấy sự đan xen ấy có cả hai khía cạnh: thú vị và bực mình.

 

“Cuộc sống ở đây thoạt đầu dường như không theo bất kỳ trật tự nào. Nhưng dần dần, tôi đã quen với Hà Nội và tôi thấy nó thực sự có cấu trúc chặt chẽ hơn so với thành phố nơi tôi sinh ra. Cuộc sống đã thay đổi đáng kể từ khi tôi đến đây. Thế hệ trẻ khao khát hướng về một cách sống “Tây” hơn, nhiều người di cư từ nông thôn vào thành phố và có sự tất yếu của hội nhập toàn cầu”.

Đẹp và không đẹp

Bày tỏ suy nghĩ về lối sống của người dân bản địa, anh chàng cao, gầy này thẳng thắn chỉ ra một số điểm “đẹp và không đẹp”.

“Tôi cho rằng cách người ta xả rác và giao thông là những điểm xấu. Tôi biết những công nhân vệ sinh đường phố phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày. Nhưng nếu mọi người cùng bỏ rác vào thùng thay vì ném ra đường thì thành phố sẽ trở thành một nơi đẹp hơn nhiều. Ở nông thôn cũng vậy”.

“Về vấn đề giao thông, tôi ngạc nhiên tại sao mọi người ở đây thật bình thản trong khi xe cộ như một mớ hỗn loạn liên tục bao quanh họ. Tôi phải cố gắng tập trung và giữ bình tĩnh mỗi lần ngồi lên xe máy”.

Về mặt tích cực, anh James cho rằng, Hà Nội là một thành phố “hào hiệp và quan tâm đến người khác một cách đáng ngạc nhiên”.

“Mọi người ở tất cả các tầng lớp xã hội sẵn sàng chia sẻ cái gì họ có với bạn, bất kể hoàn cảnh của họ thế nào”.

Cách sống quá hồn nhiên và hay tò mò chuyện riêng tư của nhiều người Việt Nam khiến những người phương Tây như anh James rất khó hiểu.

“Một điểm mà tôi không chắc là tốt hay xấu là hiếm có sự riêng tư. Dường như ai cũng biết người khác làm gì. Dường như không có chủ đề nào là người ta bị hạn chế tán chuyện!”

Anh James cũng có nhận xét khá thú vị về sự khác biệt giữa văn hóa phương Tây và Việt Nam.

“Việt Nam là một xã hội hiếu thảo trong mắt tôi. Ở các nước phương Tây, những người trẻ thường háo hức ra khỏi gia đình để đi học hoặc làm việc và trở nên độc lập như là cách để chứng minh bản thân. Tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam, bạn là người có giá trị nếu bạn có thể cho gia đình bạn biết rằng bạn có khả năng hỗ trợ họ”.

Anh nhận định rằng, tôn giáo và phong tục Việt Nam có những sự khác biệt lớn đối với người phương Tây, nhưng đó là điều tự nhiên.

Anh James cho biết, anh không gặp phải nhiều vấn đề khi sống ở Việt Nam. “Những vấn đề chính tôi phải đối mặt chủ yếu liên quan đến thủ tục giấy tờ. Có quá nhiều thủ tục, nhưng nếu tôi muốn sống ở đây, tôi phải tuân theo các quy định đó”.

Anh chia sẻ thêm, việc thích nghi với lối sống địa phương khá mất thời gian, nhưng việc học một số câu giao tiếp và làm quen với tập quán đã giúp ích rất nhiều.

“Tôi vẫn là người nước ngoài, và sẽ luôn là như thế. Nhưng giờ đây, tôi cảm nhận được sự đồng cảm và thân thiện của người Việt Nam”.

Sức hút đặc biệt

Ngồi kế bên bàn anh James là nhóm bạn cả “Tây” và “Ta” đang vui vẻ ồn ào của chị Annalise Frank, người Mỹ. Chị là biên tập viên tiếng Anh tại Thông tấn xã Việt Nam, sống và làm việc tại Việt Nam hơn một năm.

 

Phát biểu cảm nghĩ về cuộc sống ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, chị nói rằng sống ở Việt Nam khá là khác với Mỹ, nhưng rất khó giải thích.

“Việt Nam và Hà Nội có lịch sử dài hơn nhiều so với Mỹ, điều này ảnh hưởng lớn đến văn hóa. Lịch sử rất lâu dài của Việt Nam thể hiện qua các truyền thống, kiến trúc và thực hành văn hóa. Điều này là rất khác với đất nước tôi và thật thú vị khi tìm hiểu về những nơi khác với quê hương mình”.

Chị Frank đặc biệt đánh giá cao nền văn hóa Việt. “Nền văn hóa và con người ở đây thật cuốn hút và tôi luôn luôn khám phá ra những điều mới. Hà Nội là thành phố cổ, với những con đường quanh co, đầy các ngóc ngách để khám phá. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thăm thú được hết các quán cà phê, các quầy bán trái cây hoặc tất cả các ngôi chùa. Nhưng thực sự, tình yêu của tôi đối với Việt Nam và với việc sinh sống ở đây được tạo nên từ hàng trăm sự việc nhỏ và những trải nghiệm mà bằng cách nào đó chúng kết hợp lại và tạo ra một kinh nghiệm đầy đủ có thể làm thay đổi cuộc sống”.

Như nhiều người nước ngoài khác, Annalise rất yêu thích ẩm thực Việt. “Điều đầu tiên mà tôi thực sự hiểu được giá trị khi tôi đến Việt Nam là truyền thống ẩm thực của đất nước các bạn. Ẩm thực Việt Nam, cách ăn của người Việt  khá độc đáo và tìm hiểu về nó là một trải nghiệm tích cực”.

Được hỏi chị cảm thấy gì về những sự khác biệt giữa văn hóa phương Tây và Việt Nam, chị cho biết: “Tôi không muốn trả lời câu này, bởi vì rất khó để bàn về "khác biệt văn hóa" mà không dựa vào những định kiến cá nhân. Điều tôi muốn nói là những gì tôi đề cập ở trên - Việt Nam có một lịch sử dài hơn nhiều so với Mỹ, nên mỗi nền văn hóa về bản chất hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên điều này không phải là tương tự đối với văn hóa các nước phương Tây khác”.

“Tóm lại, có những thứ khác nhau nhưng khác nhau không có nghĩa là xấu”, chị vui vẻ kết luận với một nụ cười thật tươi.