Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, muốn chuyển đổi số báo chí thì trước hết phải thay đổi sang tư duy số, con người là yếu tố đầu tiên. |
Chuyển đổi số trong báo chí là một quá trình, diễn ra qua nhiều giai đoạn. Từ số hoá các sản phẩm báo chí đến phát hành các sản phẩm báo chí trên các nền tảng số, sử dụng hệ thống số trong các hoạt động sản xuất và kinh doanh báo chí, ứng dụng hệ thống số trong quy trình quản trị, vận hành toà soạn...
Hiện nay, chúng ta hầu như đã qua giai đoạn thứ nhất và chuyển dịch sang các giai đoạn thứ hai và ba. Tuy nhiên, phần lớn các cơ quan báo chí vẫn chưa thực sự thay đổi sang văn hoá số, nghĩa là triển khai và áp dụng hệ thống quản trị, vận hành trên nền tảng số.
Muốn chuyển đổi số thì trước hết phải thay đổi sang tư duy số. Con người là yếu tố đầu tiên. Từ lãnh đạo đến tập thể cán bộ, nhân viên, biên tập viên, phóng viên phải nhận thức rất rõ ràng về tầm quan trọng của chuyển đổi số, xây dựng hệ thống vận hành và ứng dụng triệt để môi trường số.
Điều đó có nghĩa là thay đổi cả phong cách làm việc, quy trình làm việc, các tiêu chuẩn, quy chế và cả cách giao tiếp, quan hệ trong công việc. Nếu có một hệ thống quản trị và vận hành toà soạn số mà tư duy vẫn máy móc, hành chính, thiếu niềm tin vào phương thức vận hành số thì vẫn không thể thành công trong quá trình chuyển đổi.
Quan điểm của tôi về chuyển đổi số là hướng đến khách hàng - tức là độc giả, khán giả xem truyền hình. Khách hàng ở đâu thì báo chí phải tìm cách tiếp cận họ ở đó. Điều đấy không chỉ có ý nghĩa về mặt kênh thông tin, nền tảng truyền thông, mà là phương pháp tư duy xây dựng nội dung và sản xuất sản phẩm báo chí phù hợp với tâm lý, nhu cầu của khách hàng.
Báo chí sẽ phải thay đổi phương pháp làm nội dung, lựa chọn những loại nội dung có thể tiếp cận đến từng nhóm, từng phân khúc độc giả, thay vì chủ quan áp đặt những nội dung mà báo chí cho là quan trọng.
Điều này cũng có ý nghĩa là sản phẩm báo chí phải phù hợp với thị trường, mà thị trường ở đây là những phân khúc thị trường đa dạng, phong phú và rất phức tạp, thậm chí là những phân khúc một người, chỉ là một cá nhân đơn nhất.
Sự cạnh tranh với các phương thức và nền tảng truyền thông khác, đặc biệt là mạng xã hội, đặt ra cho báo chí một thách thức làm mới mình, tìm ra vị thế cạnh tranh riêng, không phải là chạy theo thế mạnh của người khác. Nói cách khác, báo chí nên tập trung vào thế mạnh của mình, đó là khả năng tiếp cận nhiều nguồn thông tin, đa chiều, đa góc độ, khả năng kiểm chứng thông tin, khả năng phát hiện vấn đề sâu sắc…
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Sớm hay muộn thì báo chí cũng sẽ phải chuyển đổi số, thậm chí đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số chung của xã hội.
Nhưng điều đó không có nghĩa là phải đầu tư quy mô ngay từ đầu cho các giải pháp chuyển đổi số. Nhanh hay chậm ở đây chính là việc thay đổi tư duy số hay không. Nếu đã có một định hướng chuyển đổi số rồi thì có thể bắt tay ngay vào từng công đoạn một, ứng dụng từng phần cho toà soạn và bộ máy của mình.
Tuỳ theo tính chất, quy mô và đặc biệt là phương thức tiếp cận độc giả mục tiêu mà chúng ta sẽ lựa chọn giải pháp phù hợp nhất. Vì vậy, chuyển đổi số không phải là ồ ạt đầu tư cho công nghệ, mà là phải nghiên cứu, sử dụng công nghệ nào phù hợp nhất, trong từng giai đoạn.
Để chuyển đổi số thành công thì cơ chế chính sách cũng chỉ là một phần. Về cơ bản, chúng ta đã có những khung pháp lý và thực tiễn đủ để làm cơ sở cho công cuộc chuyển đổi số.
Tuy nhiên, có một số vấn đề về pháp lý mà ta sẽ cần cân nhắc, xây dựng hoặc chỉnh sửa, thay đổi quan điểm. Ví dụ như việc chấp nhận cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới, chấp nhận tư duy đối thoại và ý kiến trái chiều, hoặc các biện pháp bảo vệ bản quyền số cho các tác phẩm báo chí.
Trong cách mạng công nghệ, chính sách luôn đi sau, vì không thể theo kịp tiến độ phát triển của công nghệ, đó là bình thường. Nhưng để hỗ trợ cho tiến trình chuyển đổi số, cần có một tư duy rõ ràng là sẵn sàng nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp lý cập nhật nhanh chóng theo sự thay đổi đó.
| Nhà báo Hoàng Minh Trí: Công nghệ, Internet giúp cho nhà báo nhàn hạ hơn nhưng lười nhác hơn... Nhà báo Hoàng Minh Trí (báo Công an Nhân dân) cho rằng, "công nghệ cũng như Internet đã giúp cho nhà báo nhàn hạ hơn, ... |
| Nhà báo Ngô Bá Lục: Người làm báo cần cái đầu lạnh để không bị Internet cuốn đi… Nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng, báo chí thời kinh tế thị trường phải cung cấp cho độc giả cái họ cần chứ không ... |