Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Lễ khai mạc. (Ảnh: K.G) |
Đó là Triển lãm Sản phẩm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam 2015 (ICS Vietnam 2015), Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 6 tại Hà Nội (SIE 2015) và Triển lãm quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (Vietnam Manufacturing Expo 2015).
Với quy mô 252m2, tương đương với 28 gian hàng tiêu chuẩn, khu gian hàng triển lãm ICS Vietnam 2015 có sự tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm của gần 30 doanh nghiệp chuyên về công nghiệp hỗ trợ, được trưng bày thành khu gian hàng chung. Sản phẩm trưng bày gồm các sản phẩm cơ kim khí, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy, điện - điện tử, viễn thông, nhựa, cao su, máy móc, thiết bị công nghệ… phục vụ cho sản xuất ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
Triển lãm Vietnam Manufacturing Expo 2015 có sự tham gia của hơn 200 thương hiệu đến từ 20 quốc gia và 4 khu gian hàng quốc tế đến từ Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Bên cạnh đó, tại khu SIE 2015 có 57 doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản và 44 doanh nghiệp Việt Nam trưng bày hàng hóa. Ngay từ ngày đầu khai mạc, các gian hàng đã thu hút được lượng khách đông đảo tham quan và tìm hiểu thông tin giao thương.
Phát biểu khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, ngành công nghiệp hỗ trợ đang đóng vai trò rất quan trọng, góp phần thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, tạo ra sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
“Ba sự kiện được đồng thời tổ chức tại Hà Nội lần này sẽ là cầu nối hiệu quả, giúp các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp quốc tế hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ có cơ hội gặp gỡ, giao dịch, hợp tác kinh doanh và đầu tư lâu dài”, ông Vượng nhấn mạnh.
Các gian hàng thu hút được đông đảo khách tham quan và tìm hiểu thông tin. (Ảnh: K.G) |
Năm nay, triển lãm tập trung vào lĩnh vực chế tạo khuôn mẫu và công nghệ ép phun nhựa. Khách tham quan được khám phá nhiều loại máy công cụ của các nhà cung cấp hàng đầu, nhiều chuyên gia đến để tư vấn và giải đáp cho các khách tham quan về những giải pháp tiên tiến nhất. Ngoài ra, người tham quan cũng được cung cấp kiến thức cũng như những kinh nghiệm về chế tạo và bảo trì khuôn mẫu.
Ông Duangdej Yuaikwarmdee - Phó giám đốc điều hành kiêm Tổng giám đốc Công ty Reed Tradex tại Việt Nam cũng cho rằng, “đây là điểm thu hút các nhà công nghiệp quốc tế và Việt Nam tới khám phá những công nghệ mới để có những bước cải tiến trong sản xuất, lĩnh hội được nhiều kiến thức, ý tưởng mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh”.
Theo ông Katsuro Nagai, Công sứ Kinh tế - Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại đây. Mặc dù gần một nửa trong số đó kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, song tỷ lệ sản phẩm nội địa mà những công ty Nhật Bản này thu mua chỉ đạt 33%. Ngoài ra, hầu hết những sản phẩm nội địa này được cung cấp bởi các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Điều này cho thấy, giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản còn rất hạn chế và cần được thúc đẩy hơn nữa.
Vì vậy, mục tiêu của Triển lãm SIE 2015 lần này là tiếp tục hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và thúc đẩy việc kết nối kinh doanh giữa các nhà cung cấp phụ tùng tiềm năng của Việt Nam với các nhà sản xuất quốc tế, trong đó Nhật Bản. Ban Tổ chức đã xây dựng chương trình “Kết nối doanh nghiệp” ngay tại Triển lãm, nhằm cung cấp những thông tin cần thiết cho các doanh nghiệp sản xuất và với các nhà chế tạo phụ tùng Việt Nam.
Đặc biệt, trong thời gian diễn ra Triển lãm, Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao Công nghệ Việt – Đức cùng Công ty Reed Tradex sẽ đồng tổ chức “Cuộc thi hàn tay điện tử” để cổ vũ cho các tay hàn, cũng như nâng cao kỹ năng tay nghề.
Kim Giang